Nhiều băn khoăn gói 50.000 tỷ đồng

Có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia lo ngại, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay trong lĩnh vực xây dựng thông qua chuỗi liên kết “bốn nhà” mà Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) vừa công bố chỉ chú trọng đến “cung” mà bỏ rơi “cầu” - mấu chốt của thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay.


Không có thêm gói hỗ trợ


Cuối tháng 3, VNCB công bố gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay trong lĩnh vực xây dựng thông qua chuỗi liên kết “bốn nhà”: ngân hàng, nhà cung ứng vật liệu xây dựng, nhà thầu, chủ đầu tư. Trong mô hình này, VNCB đứng ra làm ngân hàng cung cấp nguồn vốn cho các đơn vị trong ngành xây dựng - vật liệu xây dựng - BĐS nhằm giúp các đơn vị này vượt khó.


 

Nhiều ý kiến lo ngại về tính hiệu quả của gói tín dụng 50.000 tỷ đồng mà VNCB vừa công bố.

Theo các chuyên gia về BĐS, gói 50.000 tỷ đồng này không phải là gói hỗ trợ hay giải cứu thị trường. Thị trường BĐS từng đón nhận một số gói hỗ trợ từ Chính phủ. Năm 2009 có gói hỗ trợ lãi suất 4% cho các doanh nghiệp, năm 2013 có gói 30.000 tỷ đồng dành cho đối tượng mua nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ lãi suất dưới 6%. Các gói hỗ trợ này thường áp dụng lãi suất thấp hơn thị trường, giúp cho các đối tượng đang gặp khó khăn có thể tiếp cận dòng vốn rẻ.


Tuy nhiên, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng mới công bố hoàn toàn khác các gói tín dụng trên. Gói này không phải được Chính phủ hỗ trợ mà chỉ là sản phẩm tín dụng, không được hưởng ưu đãi về lãi suất, nguồn vốn do ngân hàng thương mại tự huy động để cho vay. Việc cho vay hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ đáp ứng các điều kiện tín dụng thông thường của khách hàng."Cần tách bạch giữa sản phẩm tín dụng và gói cứu trợ được Chính phủ triển khai", một chuyên gia lưu ý.


Cần chú trọng đến sức mua


Có ý kiến cho rằng, gói 50.000 tỷ đồng với cơ chế chấp nhận khoanh nợ cũ, cho vay mới là một điểm sáng. Cách làm này có thể mở một cánh cửa thoát hiểm cho các dự án đang bế tắc vì nợ xấu, giúp các công trình dở dang có cơ hội hoàn thiện sản phẩm đưa ra thị trường. Mô hình tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng quy về một đầu mối trong chuỗi tín dụng khép kín có thể giảm trực tiếp chi phí cho nhà thầu và chủ đầu tư thông qua những đơn đặt hàng số lượng lớn. Từ đó suất đầu tư giảm, khả năng điều chỉnh giá đầu ra lớn tạo tính khả thi cho dự án, tăng khả năng trả nợ gốc và lãi ngân hàng.


Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn về hiệu quả của gói tín dụng này. Theo các chuyên gia BĐS, gói 50.000 tỷ đồng mới chỉ giải quyết được phần ngọn, tức là tìm cách tăng nguồn cung cho thị trường thông qua việc tập trung hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn thành dự án theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, điểm mấu chốt để khơi thông thị trường BĐS là phải tăng sức mua, thì vẫn chưa có giải pháp. Nếu các dự án BĐS được tiếp tục rót vốn để hoàn thành nhưng cũng không có khách mua thì sẽ khó có kết quả khả quan.


Theo đại diện một doanh nghiệp BĐS thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), gói 50.000 tỷ đồng khó có tác động mạnh đến các dự án cao cấp mà công ty ông đang triển khai. Hiện dự án của ông đang dừng thi công do thiếu vốn. Thực tế, thị trường hiện nay dư thừa nguồn cung ở phân khúc trung và cao cấp, mà rất thiếu nhà ở bình dân trong khi nhu cầu ở phân khúc này là rất lớn. Do đó, nếu gói tín dụng 50.000 tỷ đồng tập trung vào phân khúc cao cấp thì nguồn cung đã thừa sẽ càng thêm thừa.


Đây cũng là lo ngại của chuyên gia xây dựng Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Theo ông Liêm, tiền bơm vào BĐS chỉ hiệu quả nếu rót đúng vào cầu của thị trường, trong khi gói này lại tập trung rót vào cung. “Nếu cầu không có thì rót nữa cũng thế thôi, thậm chí lại làm tăng thêm nợ xấu. Đó còn chưa kể đến sự hoài nghi về nhóm lợi ích giữa một số doanh nghiệp và ngân hàng”, TS Liêm phân tích.


Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, Lê Hoàng Châu cho rằng, gói 50.000 tỷ đồng phải khu biệt vào những dự án nhà ở phân khúc bình dân có giá cả phải chăng, tức là phân bổ chuỗi liên kết trúng vào dự án đáp ứng được nhu cầu của số đông thì mới phát huy được tác dụng. Đồng thời, gói tín dụng này cần được mở rộng thành chuỗi liên kết “năm nhà”, trong đó thêm vào đối tượng là người tiêu dùng.


Bài và ảnh: Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN