Địa phương “bó tay”
Mới đây, Công ty TNHH MTV Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Cần Thơ (gọi tắt là Cipco) có đơn khởi kiện Công ty CP Ô tô Hyundai - Vinamotor (nay là Công ty CP Việt Nam Motors Cần Thơ) vì lí do “ôm” đất bỏ hoang nhiều năm, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Sản xuất đồ gốm sứ tại Công ty TNHH Sứ Hảo Cảnh trong Khu Công nghiệp Tiền Hải (ảnh minh họa). Ảnh: Danh Lam - TTXVN |
Theo Cipco, hơn 10 năm trước, Công ty Motors Cần Thơ được phê duyệt dự án với 15,6 ha đất sạch trong khu công nghiệp (KCN) Trà Nóc 2 với nhiều chính sách ưu đãi như: Miễn hoàn toàn tiền thuê đất trong 10 năm đầu kể từ khi nhận đất, chỉ đóng phí hạ tầng 0,1 USD/m2/năm; trong 35 năm còn lại của vòng đời dự án mức đóng tiền thuê đất chỉ 0,2 USD/m2/năm...
Việt Nam Motors Cần Thơ đã cam kết sẽ thực hiện dự án với 2 giai đoạn đầu tư, sản xuất 12.000 xe tải nhẹ/năm, tỷ lệ xuất khẩu 10%, tổng vốn đăng ký 1.300 tỉ đồng, tạo việc làm cho 3.000 lao động tại địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay các cam kết của nhà đầu tư vẫn còn nằm trên giấy.
Đại diện Cipco bức xúc, theo quy định sau 18 tháng được giao đất, nhà đầu tư đã phải hoàn tất việc đầu tư dự án giai đoạn 1 và đi vào hoạt động sản xuất và cho ra sản phẩm... nhưng Việt Nam Motors Cần Thơ vẫn không thực hiện dự án. Vì vậy, Cipco chưa thu được tiền thuê đất của nhà đầu tư này nhưng phải làm nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước, phần đất bỏ trống suốt 10 năm qua đồng nghĩa với Cipco đã mất đi hàng triệu đô la. Cipco cũng nhiều lần có văn bản kiến nghị UBND thành phố thu hồi hơn 10 ha đất mà Việt Nam Motors “ôm” và bỏ hoang nhiều năm giao cho nhà đầu tư khác nhằm tránh lãng phí và thất thu hàng chục tỷ đồng.
Tình trạng trên còn diễn ra ở nhiều địa phương khác. Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt khoảng 80%, nhưng khi kiểm tra thực tế, việc xây dựng chỉ 30 – 40%. Nguyên nhân là do việc nhà đầu tư thứ cấp thuê đất nhưng không trực tiếp xây dựng nhà xưởng để sản xuất hoặc chuyển nhượng. Ông Nguyễn Thanh Cang, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Long An cho biết, trước đây, Luật Đất đai 2003 yêu cầu nhà đầu tư thứ cấp phải xây nhà xưởng mới cho chuyển nhượng. Nhưng luật mới lại cho phép chuyển nhượng khi chưa có xây dựng mà không có chế tài xử lý. Đây là kẽ hở, tạo điều kiện cho nhà đầu tư “ôm” đất hay treo dự án, gây thất thoát kinh tế và mất cơ hội cho các nhà đầu tư khác mà không xử lý được.
Khó xử lý vì thiếu chế tài
Theo ông Nguyễn Thanh Cang, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Long An, việc xử lý đối với dự án bất động sản, sản xuất theo quy định tại điểm I, khoản 1, điều 64, Luật Đất đai 2013. Theo đó, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước số tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thờii gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
“Quy định này rất hiệu quả với các dự án bất động sản nhưng với nhà đầu tư thứ cấp thì lại không áp dụng được vì chưa có điều nào trong Luật Đất đai hiện hành quy định về vấn đề này”, ông Cang cho biết.
Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ chính sách – Pháp chế (Tổng cục Quản lý đất đai) cho biết, theo quy định trong Luật Đất đai và Luật Đất tư hiện hành đều chưa có chế tài để xử lý vấn đề này. Để ngăn chặn tình trạng nhà đầu tư “ôm” đất, thì phải có quy định ràng buộc từ trước. Tuy nhiên, trong hợp đồng cho thuê mặt bằng của chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp với nhà đầu tư thứ cấp nhưng hiện nay vẫn khá lỏng lẻo.
Chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (bên cho thuê đất trong khu công nghiệp) khi ký hợp đồng cho thuê lại đất với nhà đầu tư thứ cấp phải quy định rõ cụ thể tiến độ sử dụng đất, thực hiện dự án và biện pháp xử lý nếu bên thuê lại đất không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất. Khi nhà đầu tư thứ cấp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đã giao kết trong hợp đồng thì đơn vị này có trách nhiệm yêu cầu bên thuê lại đất thực hiện biện pháp xử lý đã giao kết trong hợp đồng hoặc có quyền đơn phương áp dụng biện pháp xử lý đã ký kết.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, vấn đề nhà đầu tư thứ cấp “ôm đất”, chuyển nhượng là một đề nóng, gây bức xúc. Bộ đang soạn thảo là lấy ý kiến về Dự thảo “Nghị định Quy định sửa đổi, bổ sung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”, trong đó có giải quyết vấn đề này.
Theo đó, UBND cấp tỉnh phải có trách nhiệm thanh kiểm tra và xử lý kịp thời đối với trường hợp đất thuê lại trong khu công nghiệp nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng so với tiến độ đã giao kết trong hợp đồng thuê lại đất trong khu công nghiệp.
Cùng đó, Chủ đầu tư phải lập danh sách các trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, Sở TN&MT nơi có đất để Sở TN&MT xử lý.