Hàng loạt các dự án chung cư trên địa TP.HCM đã bị các cơ quan chức năng “điểm mặt” với các lỗi vi phạm khá nặng: Sử dụng phần đất phục vụ cộng đồng như công viên để làm hồ bơi, văn phòng, thậm chí là kinh doanh địa ốc... Tuy nhiên, dư luận đang đặt câu hỏi vì sao cơ quan chức năng dù đã chấn chỉnh nhưng tình trạng vi phạm này vẫn xảy ra?
Vi phạm tràn lan
Thực trạng vi phạm xây dựng tại các dự án chung cư trên địa bàn thành phố đã diễn ra từ nhiều năm nay. Hàng loạt vụ tranh chấp quyền sở hữu “chung - riêng”, tầng hầm để xe, hành lang giữa người dân và chủ đầu tư đã diễn ra nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây dư luận không tốt.
Chung cư 584 bị phát hiện thu hẹp công viên làm văn phòng làm việc. |
Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành TP.HCM lại tiếp tục chỉ ra thêm hàng loạt dự án kinh doanh bất động sản biến đất dành cho công viên, cây xanh thành đất nhà ở, văn phòng làm việc, bãi giữ xe... Thậm chí, có dự án biến toàn bộ diện tích đất là mảng xanh trở thành hồ bơi hoành tráng. Kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành cho thấy trong số 55 dự án mà đoàn kiểm tra tại quận 7, 9, 12 và Bình Chánh, có 17 dự án chưa xây dựng mảng xanh như quy hoạch 1/500, 16 dự án bỏ trống chưa xây dựng, có 15 dự án chiếm dụng diện tích mảng xanh để làm sân, hồ bơi, nơi để xe, làm văn phòng giao dịch, nhà mẫu, xây nhà ở công nhân, đặt trụ ATM...
Trong số những dự án sai phạm phải kể đến nhiều cái tên rất quen thuộc như Hoàng Anh Gia Lai, Him Lam, Quốc Cường, Nam Long, Đất Lành... Cụ thể, dự án chung cư căn hộ Quốc Cường (quận 7) của chủ đầu tư là Công ty TNHH đầu tư phát triển nhà Quốc Cường bị phát hiện trưng dụng toàn bộ mảng xanh phía sau chung cư thành nơi để xe, xây dựng trạm bơm, trạm biến thế. Tương tự, dự án khu nhà ở Him Lam (quận 7) do Công ty cổ phần Him Lam làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 580.000 m2, trong đó diện tích dành cho cây xanh, thể dục thể thao là hơn 47.000 m2. Thế nhưng, tại khu công viên số 2 có diện tích hơn 4.300 m2 chủ đầu tư đã xây dựng 3 khu nhà ở công nhân và 1 khu nhà vệ sinh. Khu công viên số 3 diện tích gần 3.000 m2 đã xây dựng 3 khối nhà trưng bày sản phẩm nội thất và một nhà kho. Khu công viên, nhà thể thao tổng hợp diện tích hơn 10.000 m2 "biến" thành nhà mẫu kiên cố. Khu công viên số 4 và số 8 có diện tích hơn 16.000 m2 cũng được xây dựng nhà để xe công nhân, nhà điều hành của ban quản lý dự án...
Tại Công ty địa ốc Đất Lành, chủ đầu tư dự án chung cư Thới An, đoàn kiểm tra phát hiện chủ đầu tư lấy mảng xanh để xây dựng một nhà cấp 4 làm văn phòng giao dịch BĐS. Hay ở khu chung cư 584 ở huyện Bình Chánh do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thiết kế giao thông 584 làm chủ đầu tư, cũng bị phát hiện đã thu hẹp các công viên lấy đất làm văn phòng làm việc. Còn Công ty Nam Long đã lát gạch trên phần mảng xanh của dự án chung cư Nam Long (quận 7) để làm bãi giữ ô tô, không thực hiện mảng xanh hai bên trái lối vào. Thậm chí Công ty xây dựng thương mại Tín Phong, chủ đầu tư dự án chung cư Tín Phong (quận 12), còn lấy hơn 1.100 m2 công viên để làm hồ bơi và dãy nhà trệt bằng bê tông cốt thép.
Xử lý không nghiêm?
Trước thực trạng vi phạm hàng loạt của các dự án chung cư, Sở Xây dựng cho biết sẽ kiên quyết phạt nặng các chủ đầu tư vi phạm và yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn trả phần diện tích để làm mảng xanh đã bị sử dụng sai mục đích. Để chấn chỉnh tình trạng này, đoàn kiểm tra liên ngành cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo cơ quan chức năng không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho những dự án phát triển địa ốc không đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, trong đó có hệ thống cây xanh và công viên.
Mới đây nhất, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo khẩn cấp các sở ngành liên quan phải có đề xuất UBND TP biện pháp xử lý và chế tài nghiêm đối với chủ đầu tư các dự án BĐS không đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, chậm hoặc không tổ chức nghiệm thu và bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên điều mà dư luận trông chờ đó là sự nghiêm minh của các cơ quan chức năng bằng các biện pháp cụ thể, chứ không thể “nói suông” rồi chìm vào quên lãng. Bằng chứng là các vụ vi phạm nghiêm trọng trong xây dựng từ trước đến nay như vụ xây dựng cao ốc PACIFIC cuối năm 2007 đã làm sập hoàn toàn Viện Khoa học xã hội vùng Đông Nam bộ (49 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1), vụ 6 công trình xây dựng sai phép trên 3 tuyến đường Thái Văn Lung, Lê Thánh Tôn và Phạm Ngũ Lão (quận 1) và mới đây nhất là dự án đảo Kim Cương ở phường Bình Trưng Tây (quận 2) của Công ty cổ phần bất động sản Bình Thiên An cùng một lúc xây dựng vượt từ 1 đến 2 tầng cho tất cả 6 lô nhà... nhưng đến nay các ngành chức năng vẫn còn “lúng túng” trong việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể của các hành vi vi phạm này.
Bài và ảnh: SĨ DŨNG