Bất động sản TPHCM: Rục rịch chuyển động

Khi trần lãi suất huy động giảm thì không khí giao dịch nhà đất tại một số dự án ở TP.HCM bắt đầu hình thành. Bên cạnh sự hỗ trợ của các chủ đầu tư như khuyến mãi, trả chậm lãi suất thấp..., sự “tiếp sức” của ngân hàng vào lĩnh vực này cũng khiến thị trường “ấm” lên.

 

Căn hộ nhỏ hút khách


Chị Nguyễn Thị Khánh Đoan, giảng viên một trường đại học ở TP.HCM, cho biết: “Khi lãi suất ngân hàng giảm, gia đình chúng tôi đã quyết định chuyển hướng và rút tiền từ ngân hàng ra để mua bất động sản. Dù số tiền mua nhà chưa đủ nhưng số thiếu hụt đã được ngân hàng bảo lãnh nên chúng tôi khá yên tâm”. Không riêng gì chị Khánh Đoan, gần đây khá nhiều khách hàng đang có xu hướng quan tâm trở lại đối với bất động sản (BĐS), nhất là căn hộ giá bình dân đã có giao dịch. Nhiều doanh nghiệp BĐS cũng bắt đầu đưa hàng ra thị trường sau một thời gian dài im ắng.


Những ngày qua, chủ đầu tư dự án chung cư Tân Mai (Bình Tân) đã gây “sốc” khi chủ đầu tư đưa ra hình thức thanh toán “xưa nay chưa từng có”: Khách hàng đóng trước 300 triệu đồng sẽ nhận nhà ở, thời gian còn lại thanh toán 14 đợt trong vòng 36 tháng không lãi suất! Do dự án đã hoàn thành, diện tích căn hộ từ 47 - 67 m2, cộng với ưu đãi thanh toán như trên nên chung cư này có lợi thế cạnh tranh đặc biệt. Trong tuần đầu công bố bán căn hộ theo hình thức thanh toán mới, 60% căn hộ của dự án đã được bán.

 

Một số doanh nghiệp đã “chia nhỏ” căn hộ lớn thành 2 hay 3 căn hộ nhỏ cho dễ bán.

Dự án The Eastern (quận 9) do Công ty TNHH Hùng Việt (HVK) làm chủ đầu tư cũng đang áp dụng phương thức thanh toán căn hộ “dài hơi”. Theo đó, khách hàng chỉ cần đặt cọc trước 10%, có tới 85% sẽ chỉ phải thanh toán sau khi nhận nhà và 5% còn lại sẽ đóng khi nhận chủ quyền nhà. Trong trường hợp khách hàng đóng tiền trước sẽ được chủ đầu tư trả lãi trên khoản tiền đã nộp! Ông Park Jong Woo, Phó Tổng giám đốc kinh doanh và tiếp thị Công ty HVK cho biết: “Cách bán hàng như vậy sẽ phù hợp với điều kiện của những người có nhu cầu mua nhà thật. Họ không bị áp lực về tài chính vì khi nhận nhà mới phải thanh toán phần còn lại, nếu vay ngân hàng sẽ giải ngân luôn”.


Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Hoàng Anh Sài Gòn khẳng định: “Dự án có quy mô căn hộ nhỏ, trả trước tiền mua khoảng 30% được giao nhà, sau đó thanh toán dài hơi bán chạy, bởi hiện tại khách hàng mua nhà là người có nhu cầu thật, ít tiền, phù hợp với dòng sản phẩm như vậy”. Vì thế, một số doanh nghiệp đã “chia nhỏ” căn hộ lớn thành 2 hay 3 căn hộ nhỏ cho dễ bán. Việc chia nhỏ căn hộ đang là “chiêu” giải thoát của nhiều chủ đầu tư. Một dự án tại quận 12, thiết kế có nhiều căn hộ diện tích lớn 100 m², hiện đã xây xong phần thô nhưng chủ đầu tư dự án đang dừng lại để xin điều chỉnh, chia nhỏ căn hộ từ 100 m² thành 2 căn. Một dự án khác tại quận Tân Phú hiện nay chủ đầu tư đã xây dựng phần móng, nhưng đang xin điều chỉnh lại diện tích căn hộ nhỏ để phù hợp hơn với thị trường.


Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, “Có nhiều trường hợp xin điều chỉnh lại diện tích căn hộ. Trước đây, dự án được phê duyệt là căn hộ cao cấp, diện tích căn hộ rất lớn, nhưng thị trường khó khăn, chủ đầu tư xin điều chỉnh lại căn hộ nhỏ 70 m². Tuy nhiên, thực tế không phải muốn xin điều chỉnh là được, vì liên quan đến quy chuẩn xây dựng, quy mô dân số của dự án đã được phê duyệt trước đó”.

 

Cần giải pháp “cứu trợ”


Theo ghi nhận của phóng viên, ở quận 2, ngoài dự án An Phú - An Khánh, các dự án của Thủ Đức House đã tăng nhẹ về giao dịch. Trong khi đó, những dự án đất nền ở quận 9 như Gia Hòa, Nam Long, Kiến Á, những nơi đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thủ tục pháp lý cũng đã có giao dịch nhiều. Chị Trần Thị Cúc, nhân viên môi giới của một văn phòng giao dịch bất động sản tại quận 9, cho biết từ đầu tháng 8 đến nay, văn phòng này đã môi giới được 3 nền đất tại dự án Điền Phước Thành.


Mặc dù tín hiệu từ thị trường đang có hướng tích cực, nhưng nhằm vực dậy thị trường bất động sản vốn đang còn trong tình trạng khó khăn, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ có biện pháp “cứu trợ”. Trong văn bản gửi đi, HOREA kiến nghị Chính phủ cần có chính sách kích cầu tiêu dùng để “cứu” thị trường bất động sản.

 

Điển hình như chính sách ưu đãi về lãi suất tạo điều kiện cho người dân đang ở nhà chật hẹp (diện tích bình quân 5 m2/người/hộ) mua căn thứ hai, cũng như tạo điều kiện cho nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp được vay vốn kinh doanh bất động sản. HOREA cũng kiến nghị nới rộng điều kiện cho người nước ngoài được mua căn hộ chung cư trong dự án phát triển thương mại để tăng cầu và góp phần phục hồi thị trường. Các cơ quan chức năng, nhất là Ngân hàng Nhà nước cần ủng hộ và nhân rộng mô hình “bốn nhà” (gồm doanh nghiệp bất động sản, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu và ngân hàng) để hỗ trợ việc hoàn thiện công trình, thanh toán. Ngoài ra, Chính phủ cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% như hiện nay xuống còn khoảng 18 - 20%. Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Thuế cũng cần điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 69/2009 và Nghị định 120/2010 về việc thu tiền sử dụng đất của các dự án bất động sản.


Theo HOREA, khó khăn của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là khó tiếp cận vốn với lãi suất giảm. Tuy nhiên, mặt tích cực của thị trường bất động sản là giá nhà đất đang quay về giá trị thực, qua đó giúp người dân có điều kiện mua nhà với giá cả hợp lý hơn.



Đăng Giới - Khánh Đoan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN