Nước cho vùng cao Tây Bắc

Giải cơn khát ngàn năm trên Cao nguyên đá

Ngược đỉnh Mã Pì Lèng hũng vĩ, chúng tôi đến Mèo Vạc (Hà Giang). Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đang giữa mùa khô hạn, những hồ treo giá nằm trên lưng núi đã dần cạn nước, cả một vùng mênh mông xám xịt và khô cằn. Trên các sườn đồi, chân núi, những người nông dân nhọc nhằn gùi từng can nước trên lưng.


“Miền đá khát”

Cao nguyên đá Hà Giang bao gồm 4 huyện vùng cao phía Bắc, rộng gần 600km2 nhưng có tới 3/4 diện tích là núi đá vôi và đá tai mèo, diện tích rừng thưa thớt, mạch nước ngầm hiếm hoi, khả năng trữ nước trên núi đá kém... Hạn hán quanh năm, hơn 200.000 nhân khẩu nơi đây luôn phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt và canh tác. Nước dùng cho sinh hoạt của người dân chủ yếu trông vào mưa. Mùa khô, từ tháng 10 - tháng 5 năm sau, những nông dân sống giữa ngút ngàn núi đá lại thắt lòng ngóng chờ ông trời ban phát những hạt mưa hiếm hoi hay lặn lội đi bộ hàng chục km để lấy được một vài can nước về phục vụ sinh hoạt, còn giặt giũ thì gần như không. Theo đánh giá, có đến 90% dân bản thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.

Bể nước treo dân sinh được Chính phủ đầu tư xây dựng, tuy nhiên số lượng còn ít nên không đáp ứng được nhu cầu của dân.


Chị Giàng Thị Chớ, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc cho biết: “Nhà tôi không có bể chứa nên ngày nào cũng phải dành 2 giờ đi gùi nước, mỗi lần chỉ gùi được một can 20 lít thôi. Gần cuối mùa khô, không có mưa nên nước ở hồ treo cũng cạn rồi. Sắp tới chắc sẽ phải đến mó nước trong núi để lấy về, xa lắm, gần chục cây số cơ. Ngô đang vào mùa gieo hạt rồi, dân chúng tôi mong ông trời đổ mưa lắm…”.

Thiếu nước, đồng bào không chỉ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp mà còn khó khăn trong sinh hoạt. Nước ăn, nước uống phải tiết kiệm, giặt giũ chỉ thi thoảng và tắm là một điều xa xỉ, không ít người cả tháng mới ra suối tắm một lần. Vào mùa mưa nguồn nước “dồi dào” nhưng lại không đảm bảo an toàn bởi hầu hết các gia đình đều hứng nước mưa từ mái nhà lợp bằng pro-xi măng, nên nước chứa nhiều chất a mi ăng không tốt cho sức khỏe.

Bác sĩ Vũ Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc cho biết: “Năm 2013, toàn huyện có hơn 4.000 bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy, chiếm 5,5% tổng dân số. Nước ở đây vào mùa khô quý như vàng. Bà con tận dụng mọi phương tiện để tích nước. Nhiều hộ dân sống trong thôn bản ở vùng sâu, vùng xa, khoảng cách từ nhà đến hồ treo dài hơn chục km, nên việc đi lại rất khó khăn. Nhiều gia đình phải lấy nước từ những mó nước còn đọng lại trong lòng núi đá vôi mang về để cho lắng cặn rồi sử dụng, rất mất vệ sinh”.

Ước vọng “giải khát”

Tình trạng khan hiếm nước trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn từ lâu không còn là “chuyện riêng” của tỉnh Hà Giang. Chính phủ và các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhằm giải quyết “cơn khát” cho bà con. Thực hiện Chương trình 134, tỉnh Hà Giang đã tiến hành xây dựng hơn 3.000 bể nước mưa, lu chứa nước, hệ thống dẫn nước tự chảy, 152 công trình nước sinh hoạt tập trung. Thủ tướng Chính phủ cũng đã trích ngân sách nhà nước xây dựng 91 hồ treo nhân tạo trên địa bàn bốn huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang. Những công trình cung cấp nước đó đã phát huy tác dụng, phần nào giải quyết được tình trạng khan hiến nước cho người dân nơi đây. Tuy nhiên do dung tích hồ nhỏ nên chất lượng nước khó kiểm soát và có vi sinh vật phát triển. Các hồ treo hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước mùa mưa. Mùa khô, hồ thường cạn, không đủ đáp ứng nhu cầu cho bà con.

Đầu tư mó nước

Nhiều cơ quan nghiên cứu về nước cũng như các chuyên gia khoa học có tâm huyết đã lên Hà Giang “ăn nằm” cùng đá tai mèo với mục đích tìm ra mạch nước ngầm hiếm hoi trong lòng núi đá. Trung tâm quy hoạch tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành công sau hàng chục năm nghiên cứu, tìm tòi. Kết quả đến năm 2012, đã tìm ra 23 lỗ khoan với tổng lưu lượng lên tới hơn 9.000 m3/ngày đêm, đủ cung cấp nước cho khoảng 100.000 người với mức bình quân 80 lít/người/ngày. Nguồn nước được đánh giá là đảm bảo chất lượng, không có các chất độc hại và đủ tiêu chuẩn dùng cho sinh hoạt và ăn uống. Kết quả ấy đã khiến cho đồng bào các dân tộc sống trên vùng cao núi đá vô cùng vui mừng… Câu chuyện về một “miền đá khát” sẽ sớm chấm dứt, tạo đà cho việc phát triển kinh tế nông thôn từng bước thoát nghèo.

Cuối tháng 2/2014, một trạm cung cấp nước sạch đầu tiên đi vào hoạt động theo đúng tiêu chuẩn tại thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn. Nguồn nước khai thác từ mạch nước ngầm được xử lý đúng quy trình với tổng lưu lượng 850m3/ngày đêm, đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho khoảng 10.000 người. Khai dẫn và xây dựng thành công trạm cung cấp nước sạch cho nhân dân tại thị trấn Đồng Văn là một bước đột phá lớn đem lại niềm vui không nhỏ cho đồng bào vùng cao núi đá Hà Giang.

Đó mới chỉ là kết quả bước đầu. Chính phủ đã đầu tư nhiều kinh phí, các nhà khoa học mất nhiều thời gian, tâm huyết để tìm ra những mạch nước ngầm vô cùng quý giá, mục tiêu cuối cùng cho những “tốn kém” ấy là việc đưa nước sinh hoạt đến với đồng bào. Nhưng hiện nay, các lỗ khoan còn lại đều chưa được đầu tư khai thác, nước vẫn nằm trong lòng đất và người dân vẫn cứ từng ngày trông chờ.

Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Hà Giang đầu năm 2014, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai khẳng định: “Việc đầu tư khai thác các mỏ nước là rất quan trọng với đồng bào các dân tộc thiểu số trên vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang. Từ kết quả này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ tiếp tục nghiên cứu triển khai xây dựng công trình cấp nước ở các địa phương khác thuộc vùng núi cao ở Hà Giang như: Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh… đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu cho nhân dân”.

Ông Hầu Minh Lợi, Bí thư Huyện ủy huyện Mèo Vạc cho biết: “Trên địa bàn huyện Mèo Vạc có năm mũi khoan với tổng lưu lượng lên tới hơn 1.000m3/ngày đêm. Nếu được khai thác, sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho bà con trong huyện. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình khai thác nguồn nước cần kinh phí không nhỏ. Mèo Vạc là một huyện nghèo nên việc đầu tư là không thể. Hiện nay, vào mùa khô hạn, đa phần bà con trong huyện không đủ nước để ăn, nhiều gia đình không có nhân lực, không thể đi xa nên đã phải mua nước của các công ty tư nhân khai thác từ xa về với chi phí rất đắt. Hàng tháng, một gia đình phải bỏ ra từ 500.000 - 700.000 đồng mới đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước tối thiểu. Trong thời gian tới, mong Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát hiện, khai thác các mạch nước ngầm nhằm giúp người dân được sử dụng nước sinh hoạt đầy đủ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước phát triển kinh tế nông thôn và hướng tới xóa đói giảm nghèo bền vững”.

Bài và ảnh: Đỗ Bình
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN