Bài 1: Phải phạt, nhưng phải đúng luậtÔng Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục khẳng định bất kể hình thức làm nhục, xúc phạm danh dự, ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp của người giáo viên đều sẽ có hình thức xử lý nếu như vi phạm pháp luật.Răn dạy học sinh trong truyền thốngGần đây rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra trong môi trường giáo dục như học trò đánh nhau, thầy đánh trò, trò đánh thầy và cũng có cha mẹ học sinh vào trường, vào lớp đánh thầy cô. Những câu chuyện dài khiến ta không khỏi đặt câu hỏi đâu là giới hạn cho việc xử phạt, răn dạy học sinh và phải chăng đạo nghĩa thầy trò đang suy giảm tới cực tiểu.
Hình ảnh thầy và trò thời xưa: Văn hoá 'Tôn sư trọng đạo' của người Việt. Ảnh: TT&VH |
Nói về răn dạy học sinh trong truyền thống, việc bắt học sinh quỳ gối, đánh mạnh vào lòng hoặc mu bàn tay... vẫn được áp dụng song song với các hình thức xử phạt nhẹ hơn như úp mặt vào tường, lao động trên sân trường hay chép phạt.
Nhiều ý kiến cho rằng việc phạt học trò bằng hình thức này là chuyện bình thường, thậm chí là cần thiết. Nhiều người còn so sánh với hình phạt của thầy cô ngày xưa, có khi bị đòn roi còn nặng nề hơn.
Thầy giáo Nguyễn Thế Minh, nguyên là giảng viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội nay đã nghỉ hưu cho biết, thời ông còn nhỏ, việc thầy giáo sử dụng đòn roi với học sinh là chuyện rất bình thường. Dù là lỗi nhỏ như viết sai, thầy giáo của thầy có thể dùng thước bằng gỗ lim đánh thật đau vào tay học sinh mà không học sinh nào dám kêu ca. Những cái đánh đau điếng đầy răn dạy đến thế theo thầy cả trong những hành trang sang CHLB Đức du học và sau này nối tiếp nghiệp trồng người. Thầy quả quyết, đức tính không cẩu thả trong học tập, quyết tâm trong công việc có được từ những đòn đau ngày xưa.
Một nhìn nhận khác về vấn đề xử phạt với học sinh trong truyền thống, thầy giáo già Nguyễn Trà - người mở lớp học hướng thiện dạy cho học trò nghèo tại phường Phương Liên (Hà Nội), người có hơn 40 năm kinh nghiệm giảng dạy trong đó 24 năm là dạy học miễn phí cho các trường hợp trẻ lang thang, trẻ em nghèo khẳng định người thầy giáo có tâm sáng với học sinh thì học sinh kém, học sinh hư đến đâu cũng có thể cảm hóa. Ông cho rằng người thầy phải mẫu mực trong ăn mặc, nói năng, cư xử và trình bày văn bản... để cho học trò nhìn vào đó mà noi theo. Ông chia sẻ: “Chỉ những người có tấm lòng cao thượng mới trở thành người thầy tốt”.
Thay đổi đáp ứng giáo dục hiện đạiNếu nhìn nhận theo hướng soi chiếu pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, quyền con người trong bối cảnh của nền giáo dục ở nước ta hiện nay, việc xử phạt học sinh bằng đòn roi là vi phạm luật. Điều đó càng khiến dư luận quan ngại về công cuộc cải cách giáo dục hiện nay?
Ngay sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng cũng đã chính thức vào cuộc xử lý vụ việc phụ huynh gây áp lực khiến cô giáo tại Trường tiểu học Bình Chánh phải quỳ gối xin lỗi. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chủ quản cũng đã lên tiếng, chỉ đạo xử lý vụ việc nhưng dường như câu chuyện đau lòng này vẫn chưa lắng xuống.
Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT về Ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo do Bộ GD-ĐT ban hành quy định rõ để giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo, người giáo viên “không trù dập, chèn ép và có thái độ thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến người học; không tiếp tay, bao che cho những hành vi tiêu cực trong giảng dạy, học tập, rèn luyện của người học và đồng nghiệp. Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác. Không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác.”
TS Trương Đình Mậu, Nguyên Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định: “Luật Giáo dục đã chỉ rõ, giáo viên không được quyền đánh học trò dưới bất cứ hình thức nào. Không được xúc phạm đến thân thể và nhân phẩm của học trò. Nhưng theo tôi, phải căn cứ vào trường hợp cụ thể. Ví dụ, học trò học giỏi, giáo viên khích lệ bằng cách cốc nhẹ, bẹo má. Xét về lý thuyết là cũng xâm phạm thân thể. Nhưng động cơ lại là khác. Do đó, nắm chắc bản chất vấn đề để xử phạt đúng người đúng tội.
Khi học sinh vi phạm, điều đầu tiên là giáo viên phải kiên nhẫn. Đúng là có lúc giáo viên bực lắm, nhưng họ phải kiên nhẫn và phải dùng các phương pháp giáo dục đúng đắn, đừng bộc phát lên để có hành vi bạo lực, vì bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực.”
Đau lòng trước việc cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ và coi đây là biểu hiện của sự bất lực của nhà trường và giáo viên trước hiện tượng phụ huynh thế lực trong trường học, TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Với những người làm trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta đã thấm thía việc “yêu cho roi cho vọt” mang lại hậu quả gì chưa? Với nhóm phụ huynh trừng phạt cô giáo, bản thân họ đã nhận ra mình “làm gương” gì cho con chưa?
Và cuối cùng tất cả chúng ta đều đã bị tổn thương. Không chỉ những người trong cuộc, những vụ việc như thế này đang làm xói mòn niềm tin của xã hội về vị thế và phẩm chất của nhà giáo; làm giảm đi sự gắn bó và yêu nghề của những giáo viên giỏi khi nguy cơ bị phụ huynh tấn công trong ngay môi trường làm việc và không thể được bảo vệ bởi lãnh đạo nhà trường là có thật.”
Rõ ràng, giữa các làn sóng giáo dục Đông - Tây, kim - cổ, phụ huynh đang rất hoang mang trong việc dạy con. Nhiều gia đình mất trạng thái cân bằng trong dạy con và nó bộc lộ trong cả tương tác với nhà trường, giáo viên. Nhiều phụ huynh phó thác hoàn toàn cho nhà trường, không quan tâm đến con. Và chiều hướng ngược lại, nhiều người lại can thiệp thô bạo vào mọi vấn đề của con, bênh con vô lối mà thiếu đi sự khách quan, tỉnh táo và cả sự bao dung, cảm thông.
Sự việc "cô giáo quỳ gối" không phải là chuyện của một đứa trẻ, một cô giáo hay một phụ huynh mà là của cả ngành giáo dục. Nó giống như “giọt nước tràn ly”, là sự đổ vỡ của nhiều vấn đề như áp lực của giáo viên, bạo lực trong trường học, chương trình, sự tự chủ của người thầy. Nơi đề cao sự tôn nghiêm mà giá trị con người lại bị xem nhẹ.
Bài 2: Luật nào cho môi trường giáo dục lành mạnh?