Việt Nam cùng các nước ASEAN và Hàn Quốc trao đổi về quá trình đổi mới giáo dục

Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, đoàn đại biểu Công đoàn Giáo dục Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Ngọc Ân dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Hội đồng Giáo giới ASEAN và Hàn Quốc (ACT+1) lần thứ 37 tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur, với chủ đề “Định hướng giáo dục trong tương lai”.

Chú thích ảnh
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Hội đồng Giáo giới ASEAN+1 lần thứ 37.

Diễn ra từ ngày 15 - 17/9, ACT+1 lần thứ 37 thu hút sự tham dự của khoảng 600 cán bộ, giáo viên đến từ các tổ chức công đoàn giáo dục, công đoàn giáo viên và hiệp hội giáo viên của 9 nước thành viên, gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Lào, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Hàn Quốc.

Hội nghị gồm phiên hội thảo, phiên trình bày các Báo cáo quốc gia và 4 phiên họp song song về các chủ đề: Hỗ trợ việc dạy và học phù hợp với sự phát triển giáo dục kỹ thuật số ngày nay; Kinh nghiệm giảng dạy về kiến thức kỹ thuật số; Trao quyền hợp tác cho lớp học trong tương lai.

Đoàn Việt Nam đã trình bày Báo cáo quốc gia với chủ đề “Kết hợp hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến để truyền tải kiến thức cho người học ở các cấp” và Báo cáo chuyên đề “Đào tạo kỹ năng kỹ thuật số trong nhà trường thông qua các bài giảng mẫu”.

Chú thích ảnh
Giáo viên Hoàng Thu Hằng trình bày báo cáo quốc gia với chủ đề “Kết hợp hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến để truyền tải kiến thức cho người học ở các cấp”.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân cho biết đoàn Việt Nam đã có những chia sẻ tập trung vào những thách thức, cơ hội của giáo viên trong quá trình đáp ứng những đòi hỏi của quá trình đổi mới giáo dục. Với gần 30 thành viên tham dự hội nghị là những giáo viên và những nhà quản lý các cấp, đoàn đã thu được rất nhiều kinh nghiệm quý về giáo dục từ các nước.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Ân, tại các phiên thảo luận của hội nghị, các nước đã đưa ra dự báo về tương lai của giáo dục nói chung cũng như sự thích ứng của giáo dục trước những biến đổi của thế giới, cũng như đề ra những giải pháp phù hợp với xu thế phát triển giáo dục trên thế giới nói chung và trong khu vực nói riêng.

Trong khuôn khổ hội nghị, đoàn Việt Nam cũng tham gia các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn nghệ và trưng bày giới thiệu sản phẩm với nhiều loại cà phê. Gian hàng đã thu hút được sự đón nhận nồng nhiệt của bàn bè quốc tế. Bên cạnh đó, một số nước như Malaysia, Philippines cũng trưng bày những mô hình giáo dục mới, điều khiển robot, hấp dẫn sự sáng tạo của học sinh.

Cô Leslie Arbiol thuộc Hiệp hội nhà giáo của các trường công lập Philippines bày tỏ sự kỳ vọng vào sự đổi mới của giáo viên trong kỷ nguyên số, đồng thời hy vọng học sinh luôn nỗ lực trước những thách thức trong quá trình đổi mới giáo dục. Cô cũng cho rằng việc giáo dục học sinh từ sớm về cách sử dụng và quản lý máy tính, cách tra cứu tài liệu là rất quan trọng trong quá trình học hiện nay, do chúng ta đang ở trong môi trường cạnh tranh và một kỷ nguyên mới về đào tạo, đặt ra cho giáo viên và nhà quản lý những quyết sách mới và quan trọng.

Tin, ảnh: Hằng Linh (TTXVN)
Kết quả của chuyển đổi số tác động tích cực đến đổi mới giáo dục
Kết quả của chuyển đổi số tác động tích cực đến đổi mới giáo dục

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sau hơn 1 năm triển khai đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, ngành giáo dục đã có những kết quả tích cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN