Phát biểu tại buổi lễ, cô giáo Ngữ văn Nguyễn Thị Bảo Thúy, giáo viên trường THPT Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng - một trong 400 nhà giáo tiêu biểu được tôn vinh năm 2022 chia sẻ: “Sau 32 năm công tác trong ngành Giáo dục, tôi đã may mắn được trải nghiệm và chứng kiến nhiều giai đoạn phát triển lịch sử của ngành, cùng với sự vận động, đổi thay chung của đất nước. Tôi đã được tham gia trực tiếp vào công cuộc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2000 theo Nghị quyết 40/2000/NQ- QH10 của Quốc hội, nhằm mục đích công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông ở các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Lần thứ hai là đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2018 theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông".
Cô giáo Nguyễn Thị Bảo Thuý cho rằng: "Nghề giáo vẫn còn đó rất nhiều khó khăn, vất vả và bộn bề những lo toan, nhưng mỗi khi nhìn vào ánh mắt của học sinh, thấy sự trưởng thành, giỏi giang, sự tiến bộ vượt bậc của các em học sinh, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Và niềm hạnh phúc ấy có lẽ không thể đánh đổi bằng bất cứ giá trị nào”.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với mục tiêu cao và khát vọng lớn. Đất nước đứng trước cơ hội rộng mở để trở thành một nước phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu. Giáo dục và Đào tạo vinh dự được Đảng, Nhà nước coi là quốc sách hàng đầu, là động lực và nền tảng để phát triển đất nước. Giáo dục và Đào tạo với vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài vinh dự được xác định là một trong ba đột phá chiến lược để mở đường và tạo điều kiện cho sự phát triển”.
Theo Bộ trưởng, để thực hiện sứ mệnh, trọng trách vinh quang đó, ngành Giáo dục và Đào tạo đang ra sức đổi mới căn bản và toàn diện, nói cách khác là đang thực hiện một cuộc cải cách lớn. Công cuộc cải cách này nhằm thay đổi từ nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, phát triển nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống và kỹ năng nghề nghiệp, tăng tính thực nghiệp, thiết dụng và thực tiễn... nhằm tạo dựng một thế hệ người Việt Nam mới vừa giữ được bản sắc dân tộc, nhưng hội nhập quốc tế, làm những công dân toàn cầu tốt, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của sự phát triển đất nước. Đây là vinh dự lớn nhưng cũng là thách thức chưa từng có đối với ngành Giáo dục và với lực lượng các nhà giáo.
Theo Bộ trưởng, muốn đổi mới được giáo dục, cần đổi mới từ tư duy, cơ chế chính sách, quản trị hệ thống đổi mới cơ sở hạ tầng... Giờ đây, nhà giáo không chỉ cần có đầy đủ các phẩm chất, kiến thức và kỹ năng nghề như từng có và đã có, nhà giáo thời đại công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế còn cần tiên phong trong chuyển đổi số, giáo dục số, xã hội số, phải làm chủ được công nghệ và khoa học giáo dục hiện đại, phương tiện dạy học hiện đại, thành thạo các phương pháp của khoa học kiểm tra đánh giá tiến tiến.
"Những đổi mới ở tất cả các cấp và ở chiều sâu đặt nhà giáo trước những cơ hội rất lớn, mới để phát triển, buộc phải phát triển, nhưng cũng là thách thức vô cùng lớn, làm thay đổi những truyền thống, những thói quen và rất nhiều điều từng có của lực lượng nhà giáo… Sự nghiệp đổi mới trong giáo dục đang triển khai nhất định thành công. Nhận thức được một cách sâu sắc điều đó, toàn ngành Giáo dục, hơn một triệu nhà giáo trên cả nước đang hăng hái, dấn thân đảm trách sứ mệnh đổi mới”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.
Bộ GD&ĐT coi phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành. Phát triển giáo dục và đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước, thì phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu đột phá trong đột phá chiến lược ấy.
Với nhận thức đó, trong Chiến lược phát triển của ngành từ nay tới 2030, phát triển đội ngũ nhà giáo là phần nội dung quan trọng trong chiến lược. Bộ GD&ĐT đã và đang rà soát các chế độ chính sách, các quy định có liên quan tới nhà giáo, nhằm phát huy sức sáng tạo, làm cho nhà giáo gắn bó với nghề hơn, tạo thêm điều kiện để nhà giáo phát triển, thỏa sức sáng tạo, ngày càng nhận được sự tôn trọng của xã hội và phụ huynh, có nhiều chính sách hỗ trợ nhà giáo, biến áp lực thành động lực đổi mới và phát triển.
Luật Nhà giáo đang được định hình và thiết kế là bước quan trọng để hiện thực hóa chủ trương phát triển đội ngũ nhà giáo của Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT cũng đang phối hợp với các bộ ngành địa phương từng bước cải thiện điều kiện làm việc cho nhà giáo, xây dựng môi trường văn hóa học đường, môi trường sư phạm lành mạnh dân chủ để nhà giáo thực sự thấy hạnh phúc trong môi trường làm việc.
“Sự quan tâm tới việc tăng chỉ tiêu biên chế cho giáo viên, những chính sách đầu tư phát triển cơ sở vật chất trường lớp và điều kiện làm việc, đặc biệt là chủ trương tăng lương cơ sở và điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo sẽ được thực thi từ 1/7 năm 2023 tới sẽ là sự động viên kịp thời và thiết thực đối với đội ngũ nhà giáo”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định.