Theo phóng viên TTXVN tại London, hội thảo “Nghiên cứu và chuyển giao tri thức tại Việt Nam: Thiết kế chương trình khung xuất sắc” diễn ra trong khuôn khổ chương trình Những ngày Việt Nam tại Anh từ ngày 28/3 - 27/4 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Anh.
Hội thảo đã thảo luận và đánh giá về nghiên cứu và chuyển giao tri thức tại Việt Nam, cũng như cách xây dựng chương trình khung xuất sắc cho công tác này phù hợp với bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam. Hội thảo cũng nhằm kết nối và phát triển mạng lưới đối tác giáo dục đại học Việt Nam - Anh, đánh giá những thành tựu và định hướng hợp tác tương lai của mạng lưới này.
Các đại biểu tham dự đã thảo luận các chủ đề đa dạng về nghiên cứu và chuyển giao tri thức, bao gồm đánh giá tác động kinh tế xã hội của nghiên cứu; quan điểm của giảng viên đại học Việt Nam về đánh giá nghiên cứu và chuyển giao tri thức; cách thức xây dựng hệ thống đánh giá nghiên cứu xuất sắc, đảm bảo nâng cao chất lượng nghiên cứu, khuyến khích sáng tạo và phát triển, mang lại lợi ích kinh tế, chứng minh giá trị của nghiên cứu, đồng thời xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao vai trò của Mạng lưới đối tác giáo dục đại học Việt Nam - Anh trong việc thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa hai nước. Đại sứ Nguyễn Hoàng Long khẳng định Anh là đối tác giáo dục hàng đầu của Việt Nam với hơn 100 chương trình hợp tác, nhấn mạnh rằng nhiều sinh viên Việt Nam coi Anh là điểm đến du học hàng đầu trong nhiều lĩnh vực từ kinh tế, kinh doanh, tài chính, luật, đến kỹ thuật công nghiệp…, trong khi nhiều sinh viên Anh cũng có nhu cầu đến Việt Nam học tập.
Đại sứ chỉ ra vai trò của Mạng lưới đối tác giáo dục đại học Việt Nam - Anh trong việc hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu này của sinh viên hai nước, nhận định những nhu cầu này sẽ đóng vai trò quan trọng trong quyết định tương lai hợp tác giáo dục giữa hai nước. Ông khẳng định Đại sứ quán Việt Nam tại Anh sẵn sàng hỗ trợ mạng lưới trong việc kết nối, thúc đẩy hợp tác giáo dục - một trong những lĩnh vực ưu tiên trong nhiệm kỳ của của Đại sứ.
Tham dự hội thảo trực tuyến từ Hà Nội, bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam, cho biết Hội đồng Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam trong chương trình cải cách giáo dục đại học, hợp tác chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam thông qua Biên bản ghi nhớ hợp tác và Kế hoạch hành động cụ thể nhằm tăng cường hợp tác giáo dục và góp phần phát triển giáo dục ở Việt Nam, thông qua trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trong các lĩnh vực mang tính chiến lược như kỹ năng lãnh đạo trường đại học với bình đẳng giới và hòa nhập xã hội; chuẩn hóa trình độ đạt tiêu chuẩn công nhận quốc tế và phát triển giáo dục xuyên quốc gia (TNE); giảng dạy, nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao tri thức; chuyển đổi số; khảo thí và kiểm định chất lượng.
Bà McGowan bày tỏ hy vọng quan hệ đối tác với Việt Nam sẽ giúp Hội đồng Anh chia sẻ với các trường đại học Việt Nam những thực hành giáo dục tốt nhất của Anh, đồng thời mang thêm nhiều cơ hội hợp tác giáo dục đại học cho cả hai nước.
Giáo sư Raymond Lee, Phó trưởng khoa Công nghệ, Đại học Portsmouth, đồng Chủ tịch Mạng lưới đối tác giáo dục Việt Nam - Anh, cho rằng Việt Nam, một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, đầu tư đáng kể cho các hoạt động nghiên cứu và học thuật. Giáo sư nhận định cơ hội hợp tác giáo dục đại học giữa Anh và Việt Nam rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức, nhấn mạnh các trường đại học trong Mạng lưới đối tác giáo dục Việt Nam-Anh mong muốn và đã phát triển mối quan hệ hợp tác là một minh chứng cho tiềm năng này.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng yếu tố văn hóa là một thách thức trong hợp tác giáo dục đại học giữa hai nước. Giáo sư Lee nhấn mạnh để xây dựng quan hệ đối tác và phát triển hợp tác giáo dục giữa hai bên, điều quan trọng là phải hiểu được văn hóa Việt Nam. Theo ông, hệ thống giáo dục của hai nước hoạt động khác nhau, vì vậy không thể áp dụng nguyên xi những thực hành của Anh vào Việt Nam. Giáo sư cho biết có rất nhiều trường đại học của hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác song các văn bản này không thể triển khai thành các chương trình hợp tác do những rào cản văn hóa, nhấn mạnh các trường đại học hai nước chỉ có thể xây dựng quan hệ đối tác dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau và trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Giáo sư Lee chia sẻ mục tiêu của Mạng lưới đối tác giáo dục Việt Nam-Anh là xây dựng môi trường và tạo cơ hội (như việc tổ chức hội thảo này) giúp các đối tác giáo dục hai nước tìm hiểu, kết nối và phát triển quan hệ hợp tác tương lai. Ông cũng nêu bật vai trò quan trọng của các tổ chức nghiên cứu tại Anh và Việt Nam, cũng như các cơ quan liên quan như Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam, trong việc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học giữa hai bên.
Thành lập vào tháng 10/2018, Mạng lưới đối tác giáo dục đại học Việt Nam - Anh hướng tới mục tiêu trở thành một mạng lưới sáng tạo, thúc đẩy việc quốc tế hóa giáo dục đại học về dạy và học, nghiên cứu và đổi mới.