Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận 3 nội dung: Giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới; cách tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình và công nhận kết quả của học sinh; tinh giản nội dung kiến thức nhưng vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cùng các địa phương nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, trước thực tế học sinh phải nghỉ học dài ngày, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo điều kiện cho học sinh được học tập và quản lý việc học của các em trong thời gian này; đồng thời tiếp tục triển khai giải pháp phòng, chống dịch bệnh ở các đơn vị, cơ sở, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập vào học đường.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng: Trong tình huống hiện nay, việc tổ chức dạy học trực tiếp là quá khó khăn nên cần áp dụng và phát huy tối đa ưu điểm của các phương thức dạy học trực tuyến, để đảm bảo việc học tập của học sinh, hoàn thành chương trình. Đây cũng là cơ hội để học sinh, giáo viên, ngành giáo dục cả nước làm quen với việc ứng dụng công nghệ số hiện đại vào đổi mới các hình thức tổ chức dạy học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ, giúp cho việc tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình của các nhà trường, giáo viên, học sinh được thuận lợi. Ví dụ như phối hợp với các đài truyền hình tăng số lượng kênh phát sóng, tăng thời lượng phát sóng các chương trình dạy học. Các bài giảng, ngoài phát sóng trên truyền hình sẽ được đăng tải trên các nền tảng số khác để đảm bảo học sinh có thể học lại và lĩnh hội được đầy đủ kiến thức.
Đối với việc dạy học trên truyền hình, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, cần kết hợp hỗ trợ trực tiếp học sinh để kiểm soát được việc học tập của các em, cũng như đánh giá khả năng tiếp thu của người học. Theo đó, giáo viên thông báo lịch phát sóng cho học sinh, phối hợp với gia đình tổ chức cho các em học tập.
Thứ trưởng cũng lưu ý, các thầy, cô giáo cần xây dựng kế hoạch tổ chức, hướng dẫn học sinh học theo bài, biên soạn các bài tập, giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện sau giờ học trên truyền hình. Quá trình các em theo học, giáo viên cũng cần có biện pháp để tương tác với học sinh, nhằm hỗ trợ giải đáp các thắc mắc, khó khăn cho người học. Khi học sinh đi học trở lại, tất cả các nhà trường phải dành thời lượng thích đáng để bổ trợ kiến thức đã dạy trên truyền hình cho các em, đảm bảo mọi học sinh đều lĩnh hội được đầy đủ nội dung cốt lõi theo yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.
Đối với việc đánh giá kết quả học tập của học sinh học qua internet, trên truyền hình, để đảm bảo công bằng cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất ý kiến việc kiểm tra định kỳ, cuối kỳ sẽ được thực hiện tại các nhà trường khi học sinh đi học trở lại. Trước đó, khi học sinh mới quay lại trường, các em sẽ được cơ sở giáo dục tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình.
Đối với việc đánh giá thường xuyên, trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách các môn học trực tiếp giao nhiệm vụ học tập cho học sinh; tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua nhiều hình thức như: Sản phẩm học tập, kết quả thực hành thí nghiệm… Việc đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua internet, trên truyền hình, phải đảm bảo công bằng, khách quan, trung thực, vì quyền lợi của học sinh. Khi đáp ứng các điều kiện này, kết quả đánh giá được công nhận theo quy định hiện hành. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm ban hành hướng dẫn việc dạy học qua internet, trên truyền hình cho học sinh.
Về việc tinh giản chương trình, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập các tiểu ban và đang khẩn trương thực hiện để trong tháng 3 này ban hành hướng dẫn cho các địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ triển khai thực hiện. Mục tiêu là giảm được từ 5 - 7 tuần so với chương trình hiện nay để đến ngày 15/7 là kết thúc năm học. Tuy nhiên, việc tinh giản không thực hiện cơ học và phải đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.
Chia sẻ của các địa phương tại hội nghị, trong thời gian qua, cùng với những biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đều được các địa phương quan tâm, chú trọng. Ngoài việc thực hiện theo chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục, thực hiện dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình, các thầy, cô giáo đã chủ động có những cách thức sáng tạo, giúp học sinh ổn định nền nếp học tập, không bị quên kiến thức trong thời gian nghỉ học.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho rằng: Việc giảm tải chương trình cần đảm bảo các nguyên tắc chung, ưu tiên những kiến thức cơ bản để học sinh có đủ kiến thức không chỉ cho năm học này, mà còn có tính hệ thống cho những năm học tới. Có thể tinh giản những kiến thức ở mức độ nhận biết, thông hiểu và học sinh có thể tự học, tự nghiên cứu, lược bỏ kiến thức mở rộng.
Ông Thái Văn Thành cũng đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn linh hoạt trong việc đánh giá học sinh định kỳ, không nhất thiết phải có đủ các bài kiểm tra theo quy định. Sau khi đi học trở lại, nếu vẫn thực hiện đầy đủ các bài kiểm tra ở các môn sẽ gây áp lực cho học sinh. Thay vào đó, có thể sử dụng chính bài tập nhóm, hoặc các bài tập vận dụng kiến thức thực tế làm kết quả kiểm tra, đánh giá...
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, học sinh từ lớp 1 đến lớp 11 còn có thời gian rà soát chương trình, bổ sung kiến thức vào năm học sau. Nhưng học sinh lớp 12 sắp tới phải thi Trung học phổ thông quốc gia, nên cần đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng ma trận đề thi căn cứ vào chương trình đã tinh giản để giúp học sinh yên tâm ôn tập.