Học viện Bưu chính Viễn thông: Tiên phong đào tạo chuyên ngành công nghệ đa phương tiện

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra Quyết định cấp phép cho Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (đơn vị thành viên của VNPT) được tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngành Công nghệ Đa phương tiện trình độ đại học, cao đẳng hệ chính quy ngay trong năm học 2011-2012. Theo đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã chính thức là trường đại học đầu tiên của Việt Nam đi tiên phong, mở ra ngành đào tạo đại học mới của Việt Nam trong lĩnh vực Truyền thông và Đa phương tiện (Multimedia).

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia và lãnh đạo một số trường đại học, đây là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa xã hội lớn, góp phần thúc đẩy mục tiêu hoàn thành chiến lược “đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vừa qua. Đồng thời, với khung chương trình đào tạo mới do PTIT xây dựng và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt thì các trường đại học khác có điều kiện đủ năng lực và đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ nay đã có thể cùng dùng chung khung chương trình này để tổ chức đào tạo ngành Công nghệ Đa phương tiện.

Giờ học CNTT tại PTIT.


Ngay sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo ngành Công nghệ Đa phương tiện, PTIT đã ký kết Biên bản hợp tác toàn diện với Đại học Đa phương tiện Malaixia (Malaysia Multimedia University - MMU) trong lĩnh vực đa phương tiện. Với chương trình đào tạo tiên tiến và với chất lượng đào tạo hoàn toàn tuân thủ theo tiêu chuẩn Đại học Anh quốc, Đại học MMU Malaixia được đánh giá và công nhận là một trong những trường đại học hàng đầu của khu vực và của thế giới về đào tạo ngành Đa phương tiện. Hiện nay, Đại học Đa phương tiện Malaixia đào tạo 12 chuyên ngành liên quan đến ngành Đa phương tiện với quy mô hơn 20.000 sinh viên, trong đó có 4.200 sinh viên quốc tế đến từ 75 quốc gia khác nhau. Sinh viên MMU được đánh giá là lực lượng lao động có chất lượng cao, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường lao động trong khu vực và thế giới, góp phần quan trọng cho sự phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp nội dung số ICT của Malaixia và khu vực theo như mô hình Sillicon Valley – Stanford tại Hoa Kỳ. Bên cạnh việc hợp tác với Đại học Đa phương tiện Malaixia, PTIT dự kiến sẽ ký thỏa thuận liên kết đào tạo với hàng chục trường đại học trên toàn quốc.

Theo thông tin từ PTIT, ngay trong đợt tuyển sinh năm 2011 này, PTIT sẽ tuyển khoảng 100 sinh viên chuyên ngành Công nghệ Đa phương tiện. Các sinh viên đầu tiên của ngành Công nghệ Đa phương tiện này sẽ có cơ hội thụ hưởng và tiếp cận chương trình đào tạo và phương pháp giáo dục hiện đại, tiên tiến theo tiêu chuẩn Anh quốc. Đặc biệt, sinh viên sẽ có điều kiện thực hành và thực tập trực tiếp tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đa phương tiện, và có điều kiện tham dự các chương trình trao đổi sinh viên giữa các trường đại học trong nước và quốc tế…

Với việc đưa ngành đào tạo Công nghệ Đa phương tiện vào trường đại học, trong những năm tới, Việt Nam sẽ có nguồn nhân lực mới đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội theo xu hướng phát triển, hội tụ liên kết giữa các ngành công nghệ với các ngành xã hội và nghệ thuật, qua đó nhanh chóng hình thành và đáp ứng tốt nhu cầu phát triển nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực đa phương tiện của Việt Nam.

Bài và ảnh:Xuân Lưỡng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN