Ở tiểu học, môn học này có tên là Tiếng Việt; ở trung học cơ sở và trung học phổ thông có tên là Ngữ văn. Nội dung cốt lõi của môn học sẽ trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết yếu về văn học và Tiếng Việt, đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất, năng lực ở từng cấp học.
Chương trình Ngữ văn xây dựng theo hướng mở Trên cơ sở các quy định cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình Ngữ văn mới được xây dựng trên quan điểm lấy các kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình theo định hướng năng lực, bảo đảm tính chỉnh thể, sự nhất quán liên tục trong tất cả các cấp/lớp.
Chương trình được xây dựng theo hướng mở; không quy định chi tiết nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp. Chương trình quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về văn học, Tiếng Việt và quy định một số văn bản quan trọng của văn học dân tộc bắt buộc phải học đối với học sinh toàn quốc.
Chương trình Ngữ văn mới được xây dựng trên quan điểm lấy các kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN |
Qua văn bản ngôn từ, đặc biệt là văn bản văn học đặc sắc, môn Ngữ văn tạo cho học sinh cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, biết đồng cảm, sẻ chia, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, quan niệm sống và ứng xử nhân văn; bồi dưỡng tình yêu với Tiếng Việt và Văn học, ý thức về cội nguồn và bản sắc dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam.
Ngoài việc góp phần phát triển các năng lực chung, chương trình môn Ngữ văn tập trung giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp và năng lực thẩm mỹ; cung cấp hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về Văn học và tiếng Việt để góp phần phát triển vốn học vấn căn bản của một người có văn hoá. Môn học cũng góp phần hình thành và phát triển con người nhân văn, biết tiếp nhận, cảm thụ, thưởng thức, đánh giá các sản phẩm ngôn từ và các giá trị cao đẹp trong cuộc sống.
Xuất phát từ phẩm chất và năng lực người học Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống, Tổng chủ biên chương trình môn Tiếng Việt/Ngữ văn, điểm khác biệt nhất của chương trình Ngữ văn lần này so với những năm trước là được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất, năng lực cần có của người học để lựa chọn nội dung dạy học.
Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào bốn kỹ năng lớn: đọc,viết, nói và nghe. Đọc bao gồm yêu cầu đọc đúng và đọc hiểu. Yêu cầu về đọc hiểu bao gồm các yêu cầu hiểu văn bản (trong đó có cả đọc thẩm mỹ, cảm thụ, thưởng thức và đánh giá) và hiểu chính mình (người đọc).
Viết không chỉ yêu cầu học sinh biết viết chữ, viết câu, viết đoạn mà còn tạo ra được các kiểu loại văn bản, trước hết là các kiểu loại văn bản thông dụng, sau đó là một số kiểu loại văn bản phức tạp hơn. Nói và nghe căn cứ vào nội dung của đọc và viết để luyện tập cho học sinh trình bày, nói và nghe tự tin, có hiệu quả; từ nói đúng đến nói hay.
Do yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực nên chương trình nhấn mạnh việc chú ý hình thành cho học sinh cách học, tự học, từ phương pháp tiếp cận, phương pháp đọc hiểu đến cách thức tạo lập văn bản và nghe-nói. Học sinh được thực hành, luyện tập và vận dụng nhiều kiểu loại văn bản khác nhau để sau khi rời nhà trường, các em có thể tiếp tục học suốt đời và có khả năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Nhiệm vụ của giáo viên là tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh; hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ học sinh để các em từng bước hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực mà chương trình giáo dục mong đợi.
Giáo viên cần khơi gợi, vận dụng kinh nghiệm và vốn hiểu biết đã có của học sinh về vấn đề đang học, từ đó tổ chức cho các em tìm hiểu, khám phá để tự bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện hiểu biết. Giáo viên cần khuyến khích học sinh trao đổi và tranh luận, đặt câu hỏi cho mình và cho người khác khi đọc, viết, nói và nghe. Bên cạnh việc phát huy tính tích cực của người học, giáo viên cần chú ý tính chuẩn mực của người thày cả trong tri thức và kỹ năng sư phạm.
Cần thời gian tiếp cận chương trình và phương pháp mới
Đánh giá về dự thảo chương trình môn Ngữ văn, Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội) ghi nhận sự thay đổi lớn về phương pháp dạy học, tiếp cận chương trình và cách thức kiểm tra đánh giá.
Cô Trịnh Thu Tuyết chia sẻ: Chương trình hiện hành chỉ có một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước với các tác phẩm bắt buộc, thời lượng cho mỗi tác phẩm và đơn vị kiến thức cơ bản cũng đã được quy định cụ thể. Với dự thảo chương trình mới, Bộ chỉ quy định những yêu cầu cơ bản về năng lực, phẩm chất cần đạt tới, quy định về kiến thức, kỹ năng, thể loại và danh sách nhóm các tác phẩm mang tính chất gợi ý.
Trên cơ sở đó, các nhóm biên soạn sách giáo khoa cùng giáo viên và học sinh được quyền lựa chọn, đề xuất tác phẩm phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, thời đại và đặc điểm nơi mình đang sống. Đây là hướng mở, tiếp cận được với phương pháp dạy học của các nước tiên tiến.
Cô Tuyết nhấn mạnh: Ở dự thảo chương trình mới, tính chất của các tác phẩm văn học trong trường phổ thông đã thay đổi. Trong chương trình hiện hành, tác phẩm văn học luôn là đối tượng nghiên cứu, phân tích, cảm nhận của thầy và trò. Thầy chủ yếu cung cấp cho học trò những đơn vị kiến thức cơ bản nhất liên quan đến tác phẩm. Từ đó, hoạt động trả bài của trò chỉ dừng lại ở việc trò tiếp nhận được những đơn vị kiến thức nào mà thầy cung cấp.
Với dự thảo chương trình mới, trên cơ sở những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, về thể loại, về từng giai đoạn văn học, trào lưu văn học, những tác phẩm đưa ra chỉ mang tính chất gợi ý. Thầy và trò sẽ chọn những tác phẩm ấy để học nhưng không coi nó là đối tượng để nghiên cứu và là cái đích cao nhất mà những tác phẩm ấy đóng vai trò là phương tiện để làm sáng tỏ những phẩm chất, năng lực mà học sinh cần đạt tới.
Tuy nhiên, cô Trịnh Thu Tuyết băn khoăn về việc thực hiện chương trình mới, bởi giáo viên cần có khoảng thời gian vừa đủ để tiếp cận chương trình và phương pháp dạy học mới. Chương trình Ngữ văn mới đòi hỏi tính đồng bộ của đội ngũ giáo viên từ việc lựa chọn chương trình, lựa chọn phương pháp tiếp cận, nếu giáo viên không đủ bản lĩnh sẽ rất khó khăn.
Theo cô Trịnh Thu Tuyết, dù đổi mới thế nào vẫn cần đặt trên nền tảng đặc trưng của bộ môn. Trong phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn ở chương trình mới, Ban soạn thảo có đưa vào nhiều hoạt động hoạt náo, hướng ngoại như đóng vai, ngâm thơ, kể chuyện...
Những hoạt động này cần có hướng dẫn mang tính chất tích cực và phù hợp nhất. Bởi mỗi tiết học có thời lượng 45 phút, nếu thầy và trò thực hiện xong một hoạt động nào đó đã hết thời gian thì giáo viên khó có thể giúp học sinh tiếp cận được những yếu tố mang tính chất chuẩn mực của một tác phẩm văn chương.
Bộ môn Văn có tính đặc trưng là có cả yếu tố hướng nội, cần sự đằm lắng. Nếu hướng nhiều quá đến các hoạt động và sự trợ giúp của công nghệ thông tin sẽ làm hạn chế khả năng tiếp nhận của học sinh.
Thầy Đặng Ngọc Khương, giáo viên Trường trung học cơ sở Archimedes Academy (Hà Nội) cũng đánh giá về những thay đổi mang tính chất tích cực ở chương trình môn Ngữ văn, đó là về mặt nội dung và cách tiếp cận môn học. Cụ thể, về mặt nội dung, Bộ đã mở rộng biên độ của những tác phẩm văn học để giáo viên có thể khai thác, sử dụng trong giảng dạy; cung cấp cho học sinh vốn văn bản phong phú, phản ánh những vấn đề khác nhau trong đời sống xã hội.
Về mặt phương pháp, kỹ năng tiếp cận, ở chương trình hiện hành, chúng ta lấy kiến thức làm trọng tâm thì với dự thảo mới, mục tiêu cần hướng tới là kỹ năng của học sinh, bao gồm nghe, đọc, viết, nói. Với môn Văn, đây là những kỹ năng thiết thực nhất trong đời sống.
Để triển khai được chương trình mới như mong đợi, theo thầy Đặng Ngọc Khương cần nhiều yếu tố, trong đó, với mỗi giáo viên, điều cần nhất là phải tự làm mới chính mình để bắt kịp với phương pháp giảng dạy hiện đại.