Sinh viên được giáo viên định hướng làm đồ án |
GS Nguyễn Chiến, ĐH Thuỷ lợi cho rằng: “Việc thắt chặt đầu ra nhà trường có nhiều cái khó trong tuyển sinh sau này. Việc này cần phải có quá trình. Nhưng cũng không vì thế mà dễ dãi trong việc đánh giá đề tài tốt nghiệp. Về lâu dài, trường cũng có những liên kết với đơn vị sử dụng sinh viên thực tập tốt nghiệp, có nguồn kinh phí bồi dưỡng, duy trì để việc hỗ trợ được suôn sẻ hơn”.
Còn bà Lê Tuệ Minh cho rằng: “Có nhiều vấn đề trong trường đại học cần cải thiện, đặc biệt về kết cấu chương trình. Theo tôi, trường đại học khi xây dựng chương trình học mới cần phối hợp nhiều hơn nữa với trường phổ thông. Bên cạnh đó, trường đại học cũng nên mời các giáo viên cốt cán của trường phổ thông về trường đại học để thỉnh giảng. Từ đó, chính nhà trường sẽ nhận thấy hiệu quả của việc cần làm gì với chương trình. Cũng như sinh viên sẽ tiếp cận được thực tế là phương pháp giảng dạy mới hiện nay là thế nào”.
Việc xác định được đại học đi theo hướng nào nhiều trường đại học cũng đang loay hoay trong quy hoạch. Thực tế này sẽ kéo theo những định hướng trong đề tài tốt nghiệp vẫn chưa mang tính đồng bộ. Rất ít trường có thể hoạch định được việc này. Ở khối công lập, ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những đơn vị tiên phong trong xác định rõ định hướng phát triển. Từ đó, việc đào tạo đội ngũ giáo viên, đầu tư các công nghệ đi kèm cũng rõ ràng hơn.
Đối với ĐH Bách khoa Hà Nội, nội dung của đồ án tốt nghiệp của trường thường được triển khai theo hai hai hướng là nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu phát triển. Sinh viên có định hướng làm việc cho các đơn vị nghiên cứu hoặc giảng dạy hoàn toàn có thể chọn định hướng nghiên cứu phát triển; tương tự các em có thể chọn định hướng ứng dụng nếu dự định sẽ làm việc cho các đơn vị công nghiệp ngay sau khi ra trường.
Dẫn chứng về thực tế này TS Nguyễn Xuân Tùng, Phó trưởng phòng đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Bản thân tôi đã hướng dẫn một số đề tài giải quyết các bài toán cụ thể của ngành. Các bài toán này có thể không phải là những nghiên cứu lớn, tuy nhiên lại có tính ứng dụng cao, trả lời được các vướng mắc trong quá trình vận hành, sản xuất công nghiệp. Một dạng đồ án tốt nghiệp khác tôi có hướng dẫn là định hướng nội dung thực hiện theo vị trí, đơn vị công tác dự tính khi ra trường, các sinh viên đi theo hướng này có nhiều lợi thế khi tham gia tuyển dụng vì đã nắm bắt được khá nhiều các công việc thực tế sẽ làm, rút ngắn được thời gian thích nghi trong doanh nghiệp".
“Các thế hệ sinh viên hiện nay năng động hơn, thích nghi tốt với các điều kiện hiện nay như biết sử dụng nguồn tài liệu tham khảo phong phú với sự hỗ trợ của các công cụ tìm kiếm trên internet, sử dụng tốt các công cụ phần mềm hỗ trợ, sử dụng tiếng Anh tốt hơn các thế hệ trước. Sinh viên thường gặp vấn đề về cách trình bày ý tưởng chưa được tốt, kể cả trong văn nói và văn viết. Tôi thường dành khá nhiều thời gian để cùng với các em rà soát lại cách trình bày, câu từ trong đồ án. Ngoài ra, tôi rất coi trọng phương thức giao đề tài tốt nghiệp chung cho nhóm từ 2-3 sinh viên; khi làm việc nhóm các em có thể trao đổi, phân công nhiệm vụ và tự hỗ trợ lẫn nhau rất nhiều, giúp các em nâng cao các kỹ năng. Bên cạnh yêu cầu về chuyên môn theo quy định, tôi luôn kỳ vọng trang bị được thêm cho các em những kỹ năng cần thiết để ra làm việc”, TS Nguyễn Xuân Tùng cho hay.
Đánh giá về xu hướng hiện nay, TS Nguyễn Xuân Tùng cho rằng, đồ án tốt nghiệp ngoài việc đáp ứng tốt các yêu cầu về chuyên môn, đồng thời phải tích hợp các yêu cầu về kỹ năng sẽ trang bị cho sinh viên trước khi ra trường. Cụ thể, kỹ năng tổng hợp, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm việc nhóm phù hợp với yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Nội dung nghiên cứu của đồ án tốt nghiệp phải gắn với thực tế, muốn vậy cần có quá trình chuẩn bị trước. Điều này được thực hiện thông qua việc tổ chức thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp, sinh viên phải nắm bắt thực tế và từ đó sẽ tự đề xuất các hướng làm đồ án tốt nghiệp hoặc sẽ nhận các đề tài liên quan tới thực tế đã trải qua.
“Một hướng làm đồ án tốt nghiệp khác là thực hiện theo các chuyên đề nghiên cứu liên quan tới các đề tài nghiên cứu khoa học, đây là một hướng phổ biến tại trường. Phương thức này có ưu điểm là các em rất dễ dàng phát triển các hướng nghiên cứu thành các nội dung nghiên cứu ở bậc đào tạo sau đại học. Các sinh viên theo hướng này thường gặp gỡ và bắt đầu làm việc từ rất sớm với giáo viên hướng dẫn, có nhiều sinh viên đã theo làm việc cùng giáo viên từ những năm thứ 3 của quá trình học. Ngoài giờ học trên lớp, đa phần các em đều lên các phòng Lab của Khoa,Viện để cùng nhau nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của thầy, cô” TS Nguyễn Xuân Tùng phân tích.
Về phía thầy, cô hướng dẫn, TS Nguyễn Xuân Tùng cho rằng, giảng viên liên tục cập nhật các công nghệ mới, đổi mới nội dung đề tài tốt nghiệp thường xuyên. Việc phát triển mô hình Lab dành cho sinh viên đã thể hiện hiệu quả cao, các em sẽ làm quen được với môi trường làm việc nhóm, tự trao đổi tìm hiểu và trình bày ý tưởng, được tiếp xúc với nhiều thông tin liên quan trực tiếp tới công việc sau này. Lúc này, giáo viên hướng dẫn sẽ dành thời gian nhiều hơn cho công tác tổ chức, hỗ trợ giải quyết kịp thời các thắc mắc hàng ngày của sinh viên.
Còn GS TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, người có nhiều năm hướng dẫn đề tài tốt nghiệp cho sinh viên, nghiên cứu sinh cho rằng: "Sự năng động của người thầy là rất cần thiết. Người thầy liên tục cập nhật kiến thức, tiếp cận với những xu hướng thực tế hiện nay. Đó là nền tảng giúp sinh viên có có những gì cơ bản nhất sau khi ra trường và có việc làm ngay với ngành mình đã được học".
Các trường đại học đang đi theo các định hướng như: nghiên cứu, ứng dụng, thực hành… Việc tự chủ của các trường cũng như tự chủ về học thuật đã được vạch rõ trong Luật Giáo dục đại học. Đề tài tốt nghiệp chỉ là một phần trong hàng loạt những đánh giá về chuẩn đầu ra. Do đó việc thực hiện như thế nào vẫn còn tuỳ thuộc vào quyết định trường đó. Bộ Giáo dục và Đào tạo không can thiệp vào việc này và có chăng, việc thẩm định chỉ thông qua các đoàn kiểm định chất lượng hàng năm, trong đó có tiêu chí đánh giá về chuẩn đầu ra.
Do đó, chiếc phao để đề tài tốt nghiệp của sinh viên gắn với thực tiễn vẫn phụ thuộc vào chủ trương của nhà trường. Chỉ những đại học có định hướng nghiên cứu, ứng dụng… được đầu tư mạnh về phòng thí nghiệm, thực tế… mới có ngân sách để quan tâm tới việc này. Còn lại những trường top giữa, việc thực hiện điều này vẫn đang thả nổi, mạnh ai nấy làm.