Phương tiện thủy giúp vận chuyển hàng hóa trao đổi mua bán của người dân huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Theo đó, Bạc Liêu tiếp tục xây dựng,
điều chỉnh và triển khai các quy hoạch chi tiết phát triển du lịch như: Điểm du lịch sinh thái Vườn chim Lập Điền (huyện Đông Hải), điểm du lịch
sinh thái Vườn Cò (huyện Phước Long), điểm dịch vụ du lịch khu nhà thờ
Tắc Sậy (thị xã Gía Rai), Vườn chim ấp 4 (Phong Thạnh Tây, thị xã Gía
Rai), mở rộng Khu di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng, Khu di tích Trận Giồng
Bốm (đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia)…
Tỉnh đẩy nhanh tiến độ
triển khai các dự án du lịch như phối hợp và đôn đốc Tỉnh hội Phật giáo
khẩn trương hoàn thành dự án du lịch Quán Âm Phật Đài, nhất là hạng mục
xây dựng Núi Quán âm; triển khai Đề án bảo tồn nhãn cổ, xây dựng Khu du
lịch vườn nhãn trở thành khu du lịch sinh thái trọng điểm của tỉnh; đầu
tư Khu du lịch sinh thái gắn với tham quan điện gió; khu cầu dẫn và vui
chơi trên biển; hoàn thành dự án tuyến du lịch ven biển Nhà Mát - Cái
Cùng…
Tỉnh Bạc Liêu tiếp tục trùng tu, tôn tạo các giá trị di
tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ như đình An Trạch, chùa Giác Hoa,
chùa Cỏ Thum, miếu Tiên Sư, miếu Quán Đế, chùa Giác Hoa, chùa Hưng
Thiện, đình Tân Hưng, Lăng Cá Ông Nam Hải, Lăng Cá Ông Duyên Hải…; xây
dựng mới Bảo tàng tỉnh gắn với sưu tầm và trưng bày hình ảnh, hiện vật,
cổ vật tiêu biểu giới thiệu văn hóa, lịch sử hình thành và phát triển
của ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer; đồng thời hoàn thành và đưa vào khai
thác Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật phục vụ khách tham quan du
lịch.
Nhiều sản phẩm nông sản được bày bán tại các chợ truyền thống. Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao
Xuân Thu Vân, hiện nay tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có 33 điểm du
lịch tiêu biểu thì Bạc Liêu có 8 điểm, chiếm gần 25% toàn vùng. Từ lợi
thế đó, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa Bạc Liêu vào
nhóm các tỉnh có sản phẩm du lịch vùng kinh tế trọng điểm. Sản phẩm du
lịch “Một điểm đến = Bốn địa phương +” trong chuỗi gồm 4 địa phương Cần
Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và nay Bạc Liêu là điểm đến thứ 5 - điểm đến văn hóa.
Toàn tỉnh Bạc Liêu có khoảng 50 cơ sở lưu trú du lịch với gần
1.200 phòng, trong đó có 30 khách sạn được xếp hạng từ 1 - 3 sao. Sở
cũng đã thẩm định và ra quyết định cấp biển hiệu cho 6 cơ sở kinh doanh
dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đó là: cửa hàng thời trang
Villa, Cà phê Villa 42, Thuyền trăng quán, Cà phê Kitty, VinCom Plaza,
Nhà hàng Thanh niên... nâng tổng số lên 12 cơ sở kinh doanh đạt chuẩn
phục vụ khách du lịch trên toàn thành phố.
Với lợi thế đó, Bạc
Liêu phấn đấu đến năm 2020 đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch (khách
quốc tế 35.000 lượt người); doanh thu du lịch đạt hơn 2.000 tỷ đồng;
tỷ trọng GRDP du lịch trong tổng số GRDP của tỉnh chiếm khoảng 3,89%;
quy mô lưu trú đạt khoảng 3 ngàn phòng (8% đạt chuẩn từ 3 - 5 sao); quy
mô lao động ngành du lịch hơn 15.000 người…
Nghề truyền thống có từ lâu đời, mang nét văn hóa đặc trưng hút khách du lịch. Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Phó Chủ tịch UBND
tỉnh Bạc Liêu Vương Phương Nam khẳng định: Để du lịch phát triển xứng
tầm, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành du lịch tỉnh cần tập trung
đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng đa chiều, vừa đa dạng, phong phú
về loại hình, sản phẩm, tuyến điểm du lịch, vừa xây dựng được những sản
phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn của vùng đất, con người Bạc Liêu.
Đồng
thời, quan tâm xây dựng chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch cụ thể
nhằm quảng bá hình ảnh Bạc Liêu đến với du khách trong và ngoài nước;
chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du
lịch cả về mọi mặt, từ trình độ chuyên môn, kỹ năng đến văn hóa ứng xử…
góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
Năm 2017, Bạc Liêu phấn đấu du lịch đạt 1.150 tỷ đồng, khách du lịch
đạt 1,4 triệu lượt người. Trong quý I/2017, doanh thu du lịch dịch vụ
đạt khoảng 320 tỷ đồng (tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2016), khách du
lịch đạt khoảng 480.000 lượt (tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2016).