Trong đợt lũ cuối tháng 9/2024, ở tỉnh đã có 3 người thiệt mạng khi đi qua các cầu tràn. Trong khi nguồn ngân sách của địa phương còn hạn chế, việc đảm bảo an toàn cho người dân khi qua cầu tạm, đập tràn trong mùa mưa lũ phụ thuộc nhiều vào ý thức của người dân.
Tai nạn rình rập
Mùa mưa lũ năm 2024, dù không phải là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão nhưng tình trạng ngập lụt cục bộ vẫn xảy ra ở nhiều địa phương miền núi Nghệ An. Đáng lo ngại là chỉ trong tháng 9/2024, mưa lũ đã làm 3 người chết do chủ quan khi di chuyển qua cầu tràn.
Tại xã Hoa Sơn (huyện Anh Sơn), người dân vẫn nhớ ngày 3 mẹ con chị T. bị nước lũ cuốn trôi. Vào thời điểm đó, nước suối Khe Cốc dâng cao, chảy xiết, chị T. cùng 2 con đã bị cuốn trôi khi cố vượt qua cầu tràn để về nhà. Dù người dân và lực lượng chức năng đã ứng cứu nhưng chị T. đã thiệt mạng còn 2 cháu nhỏ may mắn được cứu sống.
Bà Nguyễn Thị Dần (xã Hoa Sơn) cho biết, cầu tràn này đã có 2 trường hợp thiệt mạng do nước cuốn. Mỗi khi mùa mưa lũ, nước suối thường dâng nhanh, chảy xiết, cầu không có lan can an toàn nên chỉ cần sơ suất là sẽ bị lũ cuốn trôi. Người dân mong muốn, các cấp chính quyền quan tâm, xây dựng cầu cứng có lan can để đảm bảo an toàn cho người dân khi đi lại.
Ở huyện miền núi Con Cuông, các cầu tràn được xây dựng từ lâu, địa phương không có nguồn lực để nâng cấp đã ảnh hưởng lớn đến việc đi lại vào mùa mưa lũ. Ông Lương Văn Oanh (xã Yên Khê, huyện Con Cuông) cho biết, cứ mưa lớn dài ngày là nước suối lên, các cầu tràn đều ngập. Toàn bản bị cô lập. Để đảm bảo an toàn, các cháu nhỏ được nhà trường cho nghỉ học. Mỗi đợt thường kéo dài từ 2 - 3 ngày, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, giao thương của người dân.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, hiện nay, ở huyện còn khoảng 30 cầu tràn, đa số đều đã xuống cấp và mất an toàn. Vừa qua, nhờ sự hỗ trợ của Trung ương, tuyến đường từ xã Thành Sơn đi bản Bà Hạ (xã Thạch Ngàn) được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 220 tỷ đồng, trong đó có xây dựng lại toàn bộ 11 cầu tràn trên tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Tuy nhiên, hiện nay ở huyện vẫn còn nhiều tuyến có cầu tràn xuống cấp, cần thay thế toàn bộ bằng cầu kiên cố. Tuy nhiên do nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp nên việc đầu tư còn chưa được liên tục.
Thiếu nguồn lực
Với mạng lưới sông suối dày đặc, tại huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn có rất nhiều cầu tràn và cũng đã xuống cấp theo thời gian. Mỗi khi nước dâng cao, chính quyền địa phương phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm; cắt cử người trực 24/24 giờ nhằm đảm bảo bảo an toàn cho người dân, tránh những sự việc đáng tiếc.
Ông Kha Văn Thìn, Bí thư Chi bộ thôn Xốp Thập (xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn) thông tin, cứ vào mùa mưa lũ hàng năm, cầu tràn ở đây đều ngập, nước chảy xiết. Ban Quản lý bản, lực lượng chức năng ở xã thay nhau túc trực, giúp người dân qua lại an toàn. Về lâu dài, nhân dân mong muốn, chính quyền cấp trên quan tâm, sớm xây dựng cầu kiên cố để người dân, học sinh đi lại dễ dàng, an toàn, nhất là khi có mưa lũ.
Theo ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, do địa hình miền núi độ dốc lớn, nhiều khe suối nên vào mùa mưa lũ nước thường dâng nhanh, chảy xiết, cầu tràn lại không có lan can khiến việc đi lại của người dân luôn tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn. Thêm vào đó, nước lũ dâng cao cũng khiến các làng bản bị chia cắt dài, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. “Về lâu dài, địa phương mong cấp trên quan tâm hỗ trợ nguồn lực để huyện sớm xây dựng dự án nâng cấp các cầu tràn. Lúc đó mới có thể giải quyết được một phần tình trạng chia cắt, mất an toàn mỗi mùa mưa lũ”, ông Thò Bá Rê cho hay.
Ngoài các tuyến đường liên thôn, liên xã, trên các tuyến tỉnh lộ ở Nghệ An có đến 42 cầu tràn. Hằng năm, ngành Giao thông Vận tải tỉnh đã chi hàng trăm tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục hậu quả bão lũ. Tuy nhiên, các công trình bị hư hỏng, sạt lở nhiều nên nguồn lực dành cho việc sửa chữa, nâng cấp các cầu tràn còn hạn chế, vì vậy rất khó xử lý triệt để.
Ông Hồ Bá Thái, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An cho biết, hiện, nhu cầu nguồn vốn để xử lý kiên cố hóa các điểm sụt trượt, thay thế các cầu tràn ở tỉnh rất lớn. Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Nghệ An về "Bố trí ngân sách địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường tỉnh do Sở Giao thông Vận tải quản lý giai đoạn 2022 - 2025", hằng năm, Sở được bố trí 120 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị chi khoảng 50 tỷ cho việc quản lý, bảo dưỡng thường xuyên; số còn lại phục vụ sửa chữa định kỳ. Trên cơ sở đó, Sở sẽ cân đối ưu tiên hạng mục cấp bách.
Do biến đổi khí hậu, tình hình mưa bão sẽ ngày càng diễn biến phức tạp. Vì vậy, trong khi chờ đợi nguồn ngân sách để sửa chữa, nâng cấp hệ thống cầu tràn, khi có mưa lũ, ngoài việc chính quyền cắm biển, cắt cử lực lượng trực chốt, người dân cần nêu cao ý thức, chủ động phòng tránh để hạn chế thấp nhất thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.