Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội những năm gần đây là kỳ thi được người dân Thủ đô đánh giá hồi hộp không kém gì kỳ thi đại học. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, có tới gần 30% học sinh không thể học các trường THPT công lập vì không đủ chỗ học. Tỷ lệ 30% này sẽ học ở các trường ngoài công lập. Đây không phải là mong muốn của số đông phụ huynh cũng như học sinh. Điều đó lý giải vì sao cuộc đua vào lớp 10 tại Thủ đô chưa bao giờ hạ nhiệt trong những năm gần đây.
Lo lắng nhưng lạc quan với hoàn cảnh là điều mà nhiều phụ huynh nên làm với con khi kỳ thi kết thúc. Ảnh: Lê Phú. |
Theo ghi nhận, nhiều phụ huynh cũng như phụ huynh khá sốc với điểm thi năm nay. Số lượng thí sinh có tổng điểm thi dưới 50 điểm chiếm tỷ lệ khá cao. Điều bất ngờ là đề thi ngữ văn năm nay được đánh giá không có gì mới, lạ nhưng điểm số của nhiều thí sinh khá thấp.
Chị Nguyễn Thị Mai Hương (Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) không khỏi thất vọng chia sẻ: “Con tôi đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Quang Trung. Nhưng với mức điểm: Toán: 6 điểm, Ngữ văn: 6,5 điểm thì chưa chắc con đã đỗ. Điểm này thấp hơn so với các điểm thi thử tại trường. Thậm chí, con tôi còn nói đề thi thử ở trường còn khó hơn cả đề thi chính thức. Giờ phải để con học trường tư thục sẽ không dành. Bởi “chuột chạy cùng sào” mới vào tư thục”.
Còn anh Nguyễn Trần Phú (Tây Hồ, Hà Nội) có con thi vào trường THPT Thăng Long cho biết: “Con tôi đạt 47 điểm - mức điểm này thấp hơn so với điểm chuẩn năm ngoái mà trường nhận hồ sơ. Cháu nói rằng không thể tin vào kết quả và muốn phúc khảo”.
Ngày 23/6, dù nhiều trường chưa có kết quả niêm yết, nhưng nhiều phụ huynh đã tìm lối đi cho con mình tại một số trường ngoài công lập được đánh giá đạt chất lượng. Chị Hoàng Mỹ Hạnh (phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nộp đơn cho con vào trường THPT Lý Thái Tổ (Trung Hoà- Nhân Chính) cho biết: “Trường THPT Lý Thái Tổ chỉ xét tuyển học bạ thôi. Nhưng bây giờ tôi không chắc là con có được xét không. Vì hai lần trước trường chủ động gọi thì cháu không nộp. Hôm nay đến nộp thấy nhiều phụ huynh đến, có lúc phải chen chân, mới thấy giờ vào trường tư ưng ý cũng khó”.
Nhiều phụ huynh không giấu sự thất vọng và chán chường với điểm số của con. Thậm chí, nhiều trong số đó đã mắng nhiếc con không thương tiếc. Chứng kiến quá trình ấy, anh Hà Huy Hải, một phụ huynh có con từng thi trượt vào trường chuyên chia sẻ: “Tôi thực sự hối hận vì đã mắng con, thất vọng vì con phải học trường tư. Việc con không đỗ như nguyện vọng không hẳn là bế tắc, cùng đường. Mà thực tế nên tin vào nguyên lý khi cánh cổng này đóng lại, cánh cổng khác sẽ mở ra. Cha mẹ hãy là người bên cạnh động viên con lúc này. Đừng biến việc trượt vào lớp 10 thành bi kịch với các con. Đồng thời, cha mẹ tiếp tục song hành với con trong những năm cuối thời phổ thông”.
“Cách đây vài năm, con trai tôi thi trượt trường THPT Thăng Long. Không còn cách nào khác, tôi cho con học trường tư thục với mức học phí cao hơn so với trường công. Từ một cậu con trai nhút nhát, ít bày tỏ quan điểm, cháu đã dần chuyển biến sau 1 năm. Đó là làm MC cho một số chương trình nhỏ trong nhóm, trong lớp, rồi cấp trường. Sau đó, cháu đã trở thành thủ khoa của ĐH Xây dựng Hà Nội. Tôi không phủ nhận môi trường học tập sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học của con em mình. Nhưng điều quan trọng hơn cả là cha mẹ hãy bên con, động viên và định hướng để con được phát huy là điều đáng quý hơn cả”, anh Hà Huy Hải tâm sự.
Còn một phụ huynh khác thì chia sẻ: “Thực tế, giáo dục hiện nay vẫn đang mở, có điều cha mẹ có thực sự hiểu được con mình phù hợp với môi trường nào hay không. Ngành giáo dục không để các con thất học. Chỗ đất này chật hẹp thì các con có thể xây ước mơ trên khu đất khác, đôi khi lại thoáng đãng và dễ thở hơn rất nhiều”.
Thực tế cho thấy không phải ai cũng có điều kiện để con học trường tư thục, ngoài công lập với mức phí cao như anh Hải. Nhưng đồng hành cùng con là điều nhiều phụ huynh có thể làm. Nên dù kết quả như thế nào thì kỳ thi cũng đã đến hồi kết thúc. Lúc này, cha mẹ nên tìm một hướng đi phù hợp với hoàn cảnh hiện tại là hơn cả.