Chuyện của Cuội, Lụa và Bờm. Chuyện có thêm Công tử Lãn là “tác nhân” để dẫn đến việc bộ ba nói trên phải lưu lạc lên kinh kỳ và một bước trở thành những mệnh quan triều đình. Chuyện cũng gồm một bậu sậu vua, hoàng hậu, quận chúa, hoạn quan, ngự y, quan chép sử. Cùng với đó là những người dân, có người cũng biết bịp bợm như ông chủ cửa hàng bán thùng ở cửa thành, có người chân chất và đáng yêu như nghệ nhân đàn nguyệt nổi tiếng kinh kỳ, hai cậu bé nhà nghèo Nha và Nhai bán bánh đa và bánh gai ở chợ….
Cuội yêu thương Lụa hết lòng, nhưng cách yêu thương sai đã khiến họ không thể ở bên nhau. |
Thế giới của “Lời nói dối cuối cùng” của Lưu Quang Vũ phong phú là vậy, trải dài là vậy; để người ta có một sự so sánh: À, có một thế giới bên ngoài hoàng cung, dù cũng có những chuyện bức bối như lão Chánh Tổng o ép gia đình Lụa vì nợ tiền, đến phá nhà, tịch thu ruộng ngay lúc mẹ Lụa đang ốm, khiến cô gái dệt lụa nổi tiếng khắp vùng không còn đường sống, phải nhắm mắt đưa chân suýt làm vợ Công tử Lãn lưng gù xấu xí, tâm hồn thì thô kệch, rỗng tuếch; dù có những thân phận như Bờm bị bố mẹ bán lấy 30 đồng, nên phải làm người hầu cho Công tử Lãn- mà không, thành nơi trút giận cho Công tử Lãn, sai gì cũng phải làm, bảo tròn phải nói tròn, bảo vuông phải nói vuông, nào là cõng Công tử qua chỗ lội, nào là đấu vật mua vui cho Công tử, nào là theo Công tử đi tán gái, tán không được thì là lỗi của Bờm, nên bị đánh, bị bắt nhịn đói…
Cuộc sống đẹp và êm đềm nơi thôn quê. |
Nhưng thế giới ấy vẫn có những cái đẹp và sự êm đềm khiến người ta muốn sống. Như niềm vui mỗi phiên chợ gọi nhau cùng đi bán lụa, là cái tình gắn bó của Luạ và người chị hàng xóm, là cảnh xôn xao trên bến dưới thuyền của phiên chợ nơi kinh kỳ, trong veo hai cậu bé Nha bán bánh đa, Nhai bán bánh gai… dù sau này có bị bắt vào cung, vẫn không thể quen được cảnh sống nhung lụa, bức bối; chỉ muốn được trở lại với thày u, với mấy chục cái bánh đa bán đắt như tôm tươi vì có hội hát chèo…
Thế nên, càng khiến người ta phải so sánh và chới với trước sự ngột ngạt, thối nát của cuộc sống trong hoàng cung; những tưởng là nhung lụa, là ăn sung mặc sướng, là cha của muôn dân, mẹ của muôn dân… nhưng thật ra là vũng bùn bẩn thỉu, từ vua tới quan chỉ lo bòn rút của nhân dân, lo làm cho đầy túi tham của mình.
Cuộc sống vương giả nhưng mục nát và rỗng tuếch nơi triều chính. |
Cuộc sống giả dối nơi hoàng cung đã khiến thằng Nha bán bánh đa, vì trò bịp của Cuội mà thành Thế tử. Nhưng đứa trẻ nghèo đói này cũng không thể chịu nổi cuộc sống "Vua khổ như chó", mà trốn khỏi ngai vàng. |
Ông vua 84 tuổi tay thì run run, hơi thở thì hổn hển, mắt nhắm mắt mở, tai thì nghễnh ngãng… mặc sức cho quần thần làm bậy. Quan quân thì thi nhau chạy chức chạy quyền, nên phải tìm cách đục khoét của dân nhằm bù lại. Ở triều chính đó, việc quan trọng nhất của vua là dậy vào giờ ngọ, súc miệng nước thơm, hắt xì hơi mấy cái, rồi… cãi nhau với hoàng hậu. Vua nói xấu hậu, hậu nói xấu vua, cũng vì không có gì làm ngoài việc “nói xấu nhau”.
Ở đó, quan chép sử giống như một con rối, quan ngự y là một kẻ bất tài. Ở đó, vua không biết “ống tiêu” là gì nên bảo nghệ nhân thổi têu là “Tiêu đi” rồi gào lên: “Tiếng gì vo ve như muỗi”, không biết đàn nguyệt là gì nên bảo nghệ nhân đàn nguyệt là “Ấy đi”, rồi cũng gào lên tiếng gì mà như tiếng dế. Chỉ tới khi lão hàng thùng ở đầu chợ, mang cái thùng của lão vào gõ oang oang, thì vua mới nghe rõ và phấn khởi phong cho lão làm “Nhạc gia triều đình”. Để rồi nghệ nhân đàn nguyệt, không thể chịu nổi cảnh đói nghèo, nghe theo lời Cuội làm ra “đàn pháo”, mang vào đốt cho vua xem, cũng được vua phong là “Nhạc gia triều đình”, giữ lại trong triều để ngày ngày… đốt đàn cho vua xem.
Diễn viên Thanh Sơn đã thể hiện rất thành công vai Cuội.
|
Giữa một triều đình như thế nên Cuội, kẻ vốn đã rất giỏi lừa người, nổi tiếng khắp nước là có thể lừa bất cứ ai, dù họ cảnh giác đến thế nào… càng có cơ hội để trở thành ngôi sao sáng, thành người được cả triều đình mù quáng nghe theo; lũng đoạn cả ngôi vua, đưa đứa trẻ bán bánh đa tên Nha lên ngôi Thế tử, rồi suýt lên ngôi vua chỉ vì một lời hứa với nó khi mua chịu chục bánh đa.
Ở đó, dù một chữ bẻ đôi trong sách thuốc Cuội cũng chưa đọc, nhưng nhờ tài chữa bệnh bằng “tâm bệnh” mà Cuội đã thành "Đại đức thiền sư danh y pháp công Đại Thiên Bảo", rồi thành quan ngự y. Có gì đâu, vua và hoàng hậu không thể sinh hạ được con, Cuội dùng chiêu “Bạch liên huê hạ long sàng. Thái tử giáng trần gian” để “ban” cho một đứa con “ra đời theo cách không hề thông thường vì là người trời”. Quận chúa điên điên khùng khùng, nanh nọc ác độc thì Cuội lựa theo mọi ý muốn….
Cứ như thế, Cuội tiến lên, từ chỗ là kẻ một xu dính túi không có, bị cả thế gian khinh bỉ là kẻ lọc lừa; thành người tin cẩn làm mưa làm gió trong triều, nói gì cũng được vua nghe theo, có thể đối đãi với ông vua già như một người bạn ngang hàng phải lứa…
Thế nghĩa là Cuội xấu. Không, không hẳn là xấu. Như Cuội đã nói với Lụa ngay khi lần gặp đầu, đừng đánh giá con người khi chưa hiểu về họ; như Lụa đã thừa nhận vào phút cuối khi chia tay với Cuội bỏ chốn kinh kỳ về quê: Cuội là một người tốt, bản chất là tốt. Cuội trong đời mình đã luôn biết nghĩ cho mọi người, hiểu được nỗi thống khổ của Lụa và yêu Lụa; hiểu được nỗi thống khổ của Bờm và giúp Bờm để giành được tự do cho mình; hiểu được nỗi thống khổ của muôn dân để yêu cầu đầu tiên khi vào triều là buộc vua phải “khoan thuế”, khuyến khích văn học, âm nhạc…
Nhưng những việc làm tốt ấy được thực hiện sai phương pháp: Tất cả đều dùng cách lừa đảo, gian dối để mà đạt được. Như lời nói từ đáy lòng của Lụa: Không ai muốn nhận những việc tốt được thực hiện bằng cách xấu cả. Và cũng bởi, nói dối mãi thành quen, đeo mặt nạ mãi rồi mặt nạ cũng thành mặt thật; nên Cuội từ chỗ là chàng trai trong sáng, có tâm hồn, có tiếng sáo và sự sẻ chia khiến Lụa phải rung động (qua hình hài của Công tử Lãn); cuối cùng “Ngày nối ngày dối gian một tý…” đã tự đồng hóa mình thành một kẻ xấu như những kẻ xấu trong triều kia…
Chỉ đến khi mọi người tốt lần lượt bỏ Cuội mà đi, từ chối cuộc sống vinh hoa phú quý mà Cuội mang tới cho họ; thì Cuội mới hiểu ra, có những điều còn đáng giá hơn gấp trăm lần, ngàn lần tiền bạc, danh vọng: Đó là nhân phẩm con người, là sự thật thà trung thực, là sống đúng bản chất của mình- một anh lực điền như Bờm, một cô gái dệt lụa tài hoa như Lụa.
“Hỏi người có nhớ quê chăng
Còn quê thì vẫn hằng mong nhớ người”.
Bờm đã về quê, Lụa đã về quê, cậu bé Nha đã trốn về với thày u, nghệ nhân đàn nguyệt đã về với kiếp phong lưu ngày ngày chơi đàn ngoài chợ… Nên Cuội chắc cũng sẽ về thôi, về lại với quê, với những người dân hiền lành, chân chất, nhưng gắn bó yêu thương. Bởi nơi sâu thẳm tâm hồn, Cuội vẫn là một chàng Cuội tốt đẹp…
Những dải lụa nhiều sắc màu được dùng như một cách thể hiện tâm trạng của nhân vật. |
Trong cuộc đời, ai không dễ lạc lối, nhất là khi xã hội có những rối ren, trắng đen khó rõ ràng, gọi đơn giản là “thời loạn”, nơi những kẻ cơ hội đột nhiên nhìn thấy cơ hội để mà “đục nước béo cò”. Nhưng cũng trong cuộc đời, không phải vũng bùn nào cũng có thể nhấn chìm mọi con người, vẫn còn đó những người biết đúng sai, sống sạch và sống trong, sống như những dải lụa trắng mềm mại mà cô Lụa đã dệt ra phơi nơi bờ sông. Nên cũng đừng vì thấy cuộc sống ngột ngạt mà đột nhiên mất hy vọng. Vẫn sẽ có những Bờm, những Luạ, những Cuội… nhận ra chân giá trị của dân mà trở về với dân.
Vở diễn của Lưu Quang Vũ thì bao giờ cũng sâu sắc, bao giờ cũng hay tới mức khiến mỗi khuôn mặt khán giả đi xem đều ngời ngời lên, buồn vui với kịch, đau đáu với nhân vật, tình tiết. Với “Lời nói dối cuối cùng” thì càng đặc biệt, vì đây cũng là hơn 30 năm sau Nhà hát Tuổi trẻ mới dựng lại, NSƯT Chí Trung- diễn viên ngày nào vào vai- giờ thành đạo diễn của vở.
Màn rap hiện đại khiến vở diễn trở nên đặc sắc hơn. |
Cái tài của Chí Trung là đâu cần nhiều tiểu xảo, mà vẫn khiến vở hay. Sân khấu, đơn giản chỉ cần những dải lụa thôi, làm nên cảnh sắc, làm nên tâm trạng; là một cái ngai vàng thôi- làm nên cả sự ngột ngạt. Và, sự độc đáo của những màn rap –do những diễn viên hiện đại thể hiện, đưa vào giữa một vở kịch dân gian, ôi chao sao lại ngọt và hợp tới vậy, khiến vở diễn mang hơi thở của đương đại, rất gần gũi với những khán giả trẻ, nhưng lại hoàn toàn không mất đi cái chất xa xưa của nó. Và đặc biệt, mỗi cảnh trong vở diễn đều được làm rất kỹ, đều không thừa dù bất cứ một chi tiết nào.
Thế nên, “Lời nói dối cuối cùng”, xứng đáng cho những tràng pháo tay và những bó hoa ào lên sân khấu; xứng đáng cho cái ôm của một khán giả với Chí Trung ngoài cửa rạp vì “30 năm tôi mới được xem lại, hay lắm”. Và xứng đáng với khoản đầu tư của SHB cho vở diễn, như kịch mục chính của chương trình “Chắp cánh niềm tin”, mang nghệ thuật đến với đông đảo công chúng trong cả nước. Đều xứng đáng cả!