Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang Bùi Bé Năm lưu ý, lãnh đạo Công an các địa phương, Giám đốc Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp, nhất là giữa lực lượng Cảnh sát Giao thông với cơ sở y tế từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn trong trao đổi, tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn đến cấp cứu tại cơ sở y tế theo quy định. Qua đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn.
“Thông qua phối hợp làm tốt công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các hành vi sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tiến tới mục tiêu kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn”, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang Bùi Bé Năm nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh, qua một năm thực hiện Quy chế phối hợp kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn đến cấp cứu tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, công tác tổ chức triển khai thực hiện Quy chế phối hợp còn gặp khó khăn, hạn chế nhất định. Đa phần trường hợp cấp cứu tại các cơ sở y tế, người vi phạm chưa cung cấp đầy đủ thông tin hoặc có cung cấp thông tin nhưng không rõ ràng gây khó khăn trong xác minh, xử lý; có trường hợp người đến cấp cứu tự ý bỏ đi trước khi lực lượng Cảnh sát Giao thông đến. Công tác trao đổi thông tin giữa cơ quan Công an và các cơ sở y tế chưa chặt chẽ… dẫn đến việc thông tin cho cơ quan Công an về kết quả xét nghiệm đôi lúc còn chậm nên khó khăn trong việc xác minh, xử lý.
Để việc triển khai Quy chế phối hợp đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông do uống bia, rượu nhưng vẫn tham gia giao thông, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang đề nghị, thời gian tới, hai ngành Công an và Y tế tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đúng mức, trang bị đầy đủ thiết bị y tế để xét nghiệm nồng độ cồn đối với trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn đến cấp cứu tại cơ sở y tế tuyến xã, phường, thị trấn.
Các cơ sở y tế khi tiếp nhận người bị nạn có nồng độ cồn đến cấp cứu cần nắm chắc thông tin ban đầu, nhất là họ tên, năm sinh, địa chỉ cụ thể để thuận lợi cho công tác xác minh, xử lý. Định kỳ hàng, tháng, quý gửi danh sách xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người bị tai nạn giao thông và kết quả xét nghiệm để lực lượng Công an tổng hợp, tiến hành xác minh, xử lý đúng quy định.
Các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến văn bản có liên quan như: Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Quy chế phối hợp kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn đến cấp cứu tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh… nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của người dân khi tham gia giao thông, làm giảm vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia.
Năm 2022, thực hiện Quy chế phối hợp, các cơ sở y tế trên địa bàn đã cung cấp thông tin 372 trường hợp va chạm giao thông có liên quan đến nồng độ cồn. Lực lượng chức năng xử lý 213 trường hợp, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 125 trường hợp với số tiền gần 582 triệu đồng, chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý 15 trường hợp, xử lý hình sự 5 trường hợp.