Đối với Nghệ An, đây là việc rất khó khăn, nguyên do trên địa bàn tỉnh có quốc lộ 1A dài gần 74 km, cùng các tuyến quốc lộ 7, 48, 46… và tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua; trong khi đó số phương tiện giao thông tăng nhanh. Từ đầu năm đến nay, tại Nghệ An đã đăng ký mới 10.606 xe ô tô, 81.681 xe mô tô - xe máy, 12.257 xe máy điện; so với cùng kỳ năm 2019, ô tô tăng 11%, mô tô -xe máy tăng 5,2%, xe máy điện tăng 18,2%.
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi, chấn chỉnh; đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Lực lượng chức năng tập trung phát hiện xử lý các lái xe có hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, lái xe chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai phần dường, làn đường. Cùng với đó, các ngành, địa phương xây dựng chương trình kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 -2025; đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, tăng cường công tác duy tu, sửa chữa công trình giao thông; nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông; xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn an toàn giao thông.
Từ đầu năm 2020 đến nay, tại Nghệ An xảy ra 187 vụ tai nạn giao thông, làm chết 111 người, bị thương 132 người; hư hỏng 129 xe ô tô, 121 xe mô tô, 9 xe máy điện, 7 phương tiện khác. So với cùng kỳ năm 2019, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí (giảm 22 vụ tai nạn giao thông, giảm 20 người chết và giảm 13 người bị thương).
Theo phân tích của các cơ quan chức năng, nguyên nhân chính xảy ra tai nạn giao thông, đó là: Không chú ý quan sát xảy ra 75 vụ (38%), không làm chủ tốc độ 16 vụ (8,9%), đi sai làn đường và phần đường quy định 43 vụ (22%), tránh và vượt xe sai quy định 143 vụ (7%).
Tại Nghệ An, tuy công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng hiện nay đang bộc lộ một số tồn tại, bất cập. Nổi lên đó là hoạt động kiểm soát người điều khiển giao thông vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 của Chính phủ đang có dấu hiệu giảm so với thời gian đầu khi Nghị định mới được ban hành; công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải còn một số tồn tại như: xe không được cấp phép vận tải vẫn hoạt động vận tải khách trên địa bàn; xe buýt phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách, xe chạy dù, không đúng luồng, tuyến, dừng đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định...