Thượng tá Nguyễn Thăng Long khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những thủ đoạn đầu tư tài chính trên không gian mạng.
Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, gần đây tình hình tội phạm trên không gian mạng có xu hướng gia tăng và diễn ra phổ biến hơn. Tội phạm trên không gian mạng sử dụng công nghệ cao, thủ đoạn đa dạng, có sự cấu kết cả trong nước và nước ngoài. Đáng chú ý, những thủ đoạn lừa đảo dẫn dụ người dân tham gia đầu tư vào sàn giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch tiền ảo dù không mới nhưng vẫn khiến nhiều người sập bẫy. Nguyên nhân là do người dân "nhẹ dạ cả tin", tin vào việc đầu tư ngắn hạn với lời hứa lợi nhuận cao mà không kiểm chứng, xác thực các thông tin về các trang đầu tư tài chính.
Theo đó, thủ đoạn chính mà các đối tượng trong đường dây lừa đảo trên mạng sử dụng là "củ cà rốt và con lừa". Ban đầu, nhà đầu tư sẽ được mời gọi tham gia các gói giao dịch giá trị thấp, dễ dàng rút tiền và có lãi. Sau đó, các gói giao dịch này sẽ được nâng cấp dần dần. Đến một ngưỡng nhất định, tài khoản sẽ bị "cháy". Khi nhà đầu tư thua lỗ, thậm chí hết sạch tiền, các đối tượng tiếp tục tạo ra những kịch bản hứa hẹn để họ nạp thêm tiền với hy vọng gỡ gạc. Đến khi nhà đầu tư không còn khả năng tài chính, mọi kênh liên lạc sẽ bị chặn.
Một ví dụ điển hình là vụ việc của đối tượng Phó Đức Nam (còn gọi là TikToker Mr. Pips), bị cơ quan chức năng bắt giữ vào tháng 10/2024. Đến tháng 12/2024, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều tài sản của Nam và đồng bọn, với tổng giá trị khoảng 5.300 tỷ đồng và khởi tố bị can đối với 31 người. Phó Đức Nam cùng đồng phạm đã tạo lập và quản lý 5 trang mạng có giao diện tiếng Anh, khiến người tham gia hiểu lầm là giao dịch trên các sàn quốc tế. Tuy nhiên, các trang mạng này thực chất được lập trình và liên kết với các tài khoản ngân hàng của các đối tượng trong đường dây. Nhân viên trong đường dây của Nam được phân công thành nhiều bộ phận để giao tiếp với nhà đầu tư qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo và Telegram.
Là một trong những nạn nhân "sập bẫy" của TikToker Mr. Pips, chị L.P.H, ngụ tại TP Hồ Chí Minh cho biết, chị đã nạp khoảng 300 triệu đồng để tham gia một nhóm đầu tư trên Telegram. Khi tham gia nhóm này, chị và các thành viên khác trong nhóm không ngừng khoe về những khoản tiền lãi lớn mà họ nhận được. Một số thành viên còn gửi cho chị hàng loạt giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư tài chính, khiến chị H. rất tin tưởng.
Phó Đức Nam - TikToker Mr Pips cầm đầu nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia.
"Không hiểu sao khi tham gia vào các nhóm này, tôi như bị "tẩy não" và luôn tin tưởng các hành động của người thuyền trưởng TikToker Mr. Pips. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng công bố thông tin về việc TikToker Mr. Pips lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người, tôi mới nhận ra mình đã bị lừa. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi pháp luật được thực thi sớm”, chị L.P.H cho biết thêm.
Tương tự, vào ngày 17/1/2025, bà L.Th.H, ngụ tại TP Hồ Chí Minh, cũng đã trình báo với cơ quan chức năng về việc đầu tư tiền ảo và bị chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng. Theo lời bà L.Th.H, thông qua mạng xã hội Facebook, bà đã kết bạn và trò chuyện với tài khoản tên "Nguyễn Thị Hồng Nhung". Sau một thời gian, người này mời bà tham gia đầu tư tiền ảo thông qua một trang web. Với lời quảng cáo hấp dẫn, bà L.Th.H đã làm theo hướng dẫn, tạo tài khoản và chuyển tiền để đầu tư, nạp 500 triệu đồng với hứa hẹn nhận lại 1 tỷ đồng.
Khi bà H. muốn rút số tiền lãi, đối tượng lừa đảo yêu cầu bà đóng thêm 200 triệu đồng trong vòng 5 giờ và yêu cầu đóng tiền mua bảo hiểm tiền gửi tương ứng 100 triệu đồng. Tin tưởng, bà H. đã tiếp tục nộp thêm 300 triệu đồng, nhưng sau đó không thể rút được cả gốc lẫn lãi đã đầu tư. Đến lúc này, bà H. mới nhận ra mình đã bị lừa chiếm đoạt tài sản. Ngay sau đó, bà liên lạc lại với tài khoản nhưng không thể kết nối vì tài khoản đã bị chặn. Hơn nữa, khi bà vào trang web giới thiệu đầu tư tiền ảo, bà không thể đăng nhập vì trang web đã bị xóa.
Để tránh bị sập bẫy lừa đảo trên không gian mạng trong thời gian tới, Thượng tá Nguyễn Thăng Long cảnh báo, người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tuyên truyền từ các trang chính thống về phương thức và thủ đoạn của tội phạm lừa đảo. Cần chú ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trong quá trình tham gia các hoạt động trên môi trường mạng. Không chia sẻ thông tin cá nhân, hình thẻ căn cước, bảo hiểm y tế, giấy đăng ký xe hoặc các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân của mình và người khác lên mạng xã hội.
Theo ông Nguyễn Thăng Long, đối với các hoạt động đầu tư tài chính trên mạng, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin và chỉ đầu tư vào các sàn giao dịch chính thống đã được các cơ quan nhà nước cấp phép hoạt động; tuyệt đối không tham gia các sàn giao dịch trực tuyến trên mạng không rõ thông tin hoặc có dấu hiệu giả mạo. Trước khi đầu tư, người dân nên trực tiếp đến các phòng giao dịch, trung tâm để được tư vấn và kiểm chứng thông tin.
Trước đó, trong dịp Tết Nguyên đán 2025, Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phát các thông tin khuyến cáo người dân trên cả nước cần cảnh giác, không tham gia đầu tư hoặc mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website và ứng dụng đầu tư tiền ảo. Tuyệt đối không tin tưởng vào các lời mời đầu tư lợi nhuận cao, không tham gia vào các nhóm kín hoặc cộng đồng trực tuyến dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa xác minh được danh tính và uy tín của tổ chức, cũng như không rõ nguồn gốc; không vội vàng chuyển tiền cho những đối tượng hoặc tổ chức lạ khi chưa xác minh được danh tính.
Liên quan đến việc đầu tư tài chính trên không gian mạng, Luật sư Phạm Đăng Chính, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, việc đầu tư tiền ảo và vào các sàn giao dịch chứng khoán trên mạng khá phức tạp vì liên quan đến công nghệ, tính bảo mật và sở hữu. Hơn nữa, nhiều quốc gia vẫn chưa có quan điểm rõ ràng đối với loại tài sản này, vì vậy việc xây dựng một khung pháp lý cho các giao dịch này cần rất thận trọng.
"Để ngăn chặn và xử lý các tội phạm này, Việt Nam cần có một khung pháp lý rõ ràng để quản lý, bởi hoạt động giao dịch, mua bán và đầu tư tiền số đang diễn ra hàng ngày. Khi khung pháp lý cho tiền ảo và tài sản ảo được xây dựng, nó sẽ là cơ sở để quản lý các giao dịch liên quan, bảo đảm nghĩa vụ thuế, giải quyết các tranh chấp và hạn chế tình trạng lừa đảo. Việc này cũng giúp ngăn chặn rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố qua giao dịch tiền mã hóa", Luật sư Phạm Đăng Chính chia sẻ.
Ngoài ra, theo luật sư Phạm Đăng Chính, cơ quan chức năng có thể xem xét việc xây dựng khung pháp lý thử nghiệm cho tài sản ảo, áp dụng cho các nhóm đối tượng cụ thể, thay vì trên diện rộng. Trong đó, xác lập quyền sở hữu đối với tài sản ảo là một trong những vấn đề quan trọng cần được xem xét.