Nội dung mà các cơ quan báo chí quan tâm chủ yếu liên quan đến vụ một số đối tượng ngang nhiên xây dựng một khu làng trên diện tích đất lâm nghiệp, đã được giao cho một đơn vị quản lý. Đơn vị này đã nhiều lần kêu cứu với chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa nhận được sự phối hợp xử lý thỏa đáng.
Tại cuộc họp báo, ông Lê Nguyên Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết: Khu làng trên trực thuộc Tiểu khu 267 nằm trên địa bàn xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, do Công ty Cổ phần Du lịch sinh thái Phương Nam (gọi tắt là Công ty Phương Nam) quản lý. Hiện tại, huyện Đức Trọng đã xác định được 54 căn nhà xây dựng trái phép trên khu vực này. Trong số đó có hơn 40 căn chòi của các hộ dân địa phương dựng lên để phục vụ sản xuất nông nghiệp, hiện vẫn chưa xác định đã sang nhượng cho chủ khác hay chưa; 13 công trình được xây dựng kiên cố bằng bên tông, sắt thép, trong đó 3 căn nhà đã xác định được chủ sở hữu, 10 căn còn lại chưa xác định được, nên chưa thể xử lý. Ngày 29/10/2020 (sau khi báo chí phản ánh vụ việc trên 2 ngày), UBND huyện Đức Trọng đã ra Quyết định số 149 về việc cưỡng chế 3 căn nhà đã xác định được chủ là ông Đào Văn Quyền, trú tại Tổ 7, thôn Đinh An, xã Hiệp An (huyện Đức Trọng)…
Ông Hoàng Việt Lâm, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết: Ngày 18/8/1992, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định số 513/QĐ-UB về việc giao 355,3 ha tại tiểu khu 267 cho Công ty Phương Nam quản lý bảo vệ, trồng rừng khoanh nuôi làm giàu rừng. Đến năm 1999, UBND tỉnh lại ra Quyết định số 765/QĐ-UB về việc phê duyệt dự án tái định canh định cư làng dân tộc Đarahoa Định An, xã Hiệp Thạnh, với mục đích định canh định cư cho 30 hộ dân người dân tộc gốc Tây Nguyên ở đây, kết hợp xây dựng làng văn hóa, tạo công ăn việc làm cho đồng bào tại chỗ. Từ khi tiếp nhận, Công ty Phương Nam đã thực hiện định canh, giao đất cho 70 hộ. Trong đó, Công ty Phương Nam cho đồng bào mượn là 30ha, còn khoảng 30 ha là do các hộ tự lấn chiếm của Công ty Phương Nam và Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh.
Cũng theo ông Hoàng Việt Lâm, trên thực tế, Quyết định số 765 của UBND tỉnh Lâm Đồng chưa được thực hiện do tỉnh chưa có vốn đầu tư. Đến nay, khu làng này mới chỉ là phương án sản xuất dành cho đồng bào dân tộc thiểu số chứ không phải khu vực tái định canh định cư. Bởi vậy, diện tích đất trên vẫn do Công ty Phương Nam quản lý, các hộ dân trên không có quyền quản lý sử dụng.
Ông Ngô Văn Ninh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Quan điểm của lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng là kiên quyết xử lý các vụ vi phạm, lấn chiếm đất rừng, nhất là đối với cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Từ năm 2013 đến năm 2018 tỉnh Lâm Đồng đã xử lý 35 trường hợp cán bộ công chức, viên chức vi phạm trong lĩnh vực này, trong đó, cảnh cáo 7 trường hợp, khiển trách 27 trường hợp… Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã xử lý 46 trường hợp, trong đó cảnh cáo 1, khiển trách 5 trường hợp… Riêng đối với vụ việc tại tiểu khu 267, UBND tỉnh đã có 4 văn bản chỉ đạo, chủ trương là kiên quyết tháo dỡ, không để trở thành tiền lệ.
Trước đó, ngày 27/10/2020, TTXVN và một số cơ quan báo chí đã thông tin vụ việc từ năm 2017 đến nay, tại tiểu khu 267 thuộc thôn Định An đã và đang hình thành trái phép một ngôi làng với hàng chục căn nhà kiểu biệt thự bằng gỗ. Thậm chí, khu vực này còn được mở đường nội bộ, xây dựng hệ thống cấp điện riêng và dựng tấm biển kiên cố rất lớn với cái tên “Làng nghề Bonsai Darahoa”.
Phần đất của ngôi làng này thuộc địa phận đất lâm nghiệp đã được giao cho Công ty Cổ phần Du lịch sinh thái Phương Nam quản lý, bảo vệ từ 30 năm nay. Doanh nghiệp này đã nhiều lần kêu cứu tới các cấp chính quyền vì bị chiếm đất, phá rừng, nhưng ngôi làng vẫn đang ngang nhiên hối hả xây dựng từng ngày. Dư luận đang đặt dấu hỏi về việc liệu có ai đứng đằng sau các đối tượng ngang nhiên lấn chiếm đất rừng để xây dựng ngôi làng "chui" bề thế.