Điều đáng nói, chiếc xe chở quá khổ quá tải có một không hai lưu thông từ phố này sang phố khác, từ quận này sang quận khác, qua nhiều nút giao thông, nhưng không hề bị một lực lượng chức năng nào giữ lại hay xử lý.
Video người dân, du khách "mắt tròn, mắt dẹt" trước hình ảnh có một không hai trên đường phố Hà Nội:
Ngay từ thời điểm xuất phát, cả chủ xe và người thuê xe đã biết vi phạm Luật Giao thông đường bộ về chở quá khổ, quá tải, nhưng vẫn cố tình vi phạm, ngang nhiên chất hàng, bất chấp nguy cơ mất an toàn giao thông, cho thấy dấu hiệu coi thường pháp luật. Thậm chí, khi lưu thông qua các tuyến phố, lái xe còn vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng, lấn làn đường...
Chiếc xe ngang nhiên "diễn xiếc", luồn lách qua các tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn (quận Đống Đa), đường Giải Phóng, Linh Đàm (quận Hoàng Mai)... thu hút mọi người dân và du khách hiếu kỳ, ngạc nhiên chứng kiến hình ảnh chiếc xe thương binh nhỏ bé, nhưng chở quá khổ, quá tải, vi phạm luật giao thông có một không hai. Nhiều du khách quốc tế còn tranh thủ chụp lại hình ảnh hiếm thấy.
Chưa hết, do đúng vào giờ cao điểm, nên khi chiếc xe lưu thông đến khu vực các nút giao thường xuyên xảy ra ùn ứ cục bộ như nút giao: Cửa Nam - Nguyễn Thái Học, Đại Cồ Việt - Lê Duẩn, đường Giải Phóng - Bến xe Giáp Bát... càng góp phần làm cho giao thông trở nên ùn ứ nghiêm trọng hơn, nhiều người và phương tiện tham gia giao thông khác khi nhìn thấy chiếc xe này đều muốn tránh từ xa, để đỡ bị vạ lây.
Trước đó, ngày 23/6, báo Tin tức đã có bài phản ánh tình trạng xe 3 bánh thương binh, xe tự chế... chở hàng hóa, sắt thép cồng kềnh, nguy hiểm, như diễn xiếc trên đường phố Hà Nội, trở thành nỗi "ám ảnh" với người tham gia giao thông, nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn. Ngay sau đó, UBND TP Hà Nội đã có công văn số 1370/UBND-TH yêu cầu Công an TP, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý xe 3 bánh, xe tự chế và các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh, nguy hiểm, gây mất trật tự an toàn giao thông; giao lực lượng công an kiểm soát, xử lý nghiêm các lái xe vi phạm, nhất là những trường hợp lái xe giả danh thương binh, xe đứng tên thương binh nhưng cho thuê, mượn để vận tải hàng hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, các trường hợp vi phạm đã "nhờn luật".
Rõ ràng, lợi dụng tình trạng vắng bóng lực lượng chức năng, các lái xe vi phạm hoạt động ngang nhiên, sẵn sàng chất hàng quá khổ, quá tải lưu thông. Điều đáng lên án là lợi dụng chính sách ưu tiên đặc biệt của Nhà nước đối với thương binh, nhiều lái xe xe ba bánh sẵn sàng kinh doanh vận tải trái phép.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội, Thành phố hiện có khoảng 4.000 xe 3 bánh, xe thương binh, trong đó chỉ có khoảng gần 1.000 xe là của thương binh, bệnh binh, người khuyết tật, còn lại chủ yếu xe hoạt động không rõ nguồn gốc, lấy mác thương binh đứng chủ sở hữu để hoạt động. Tình trạng gây mất an toàn giao thông của các xe này diễn ra nhiều năm nay, nhưng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.
Qua tìm hiểu, việc kiểm tra, xử lý của CSGT đối với lái xe vi phạm như trên hiện nay gặp không ít khó khăn, nhất là việc yêu cầu chủ các phương tiện, lái xe vi phạm bị bắt tại chỗ sang tải, hạ tải. Việc xử phạt cho tồn tại đã và đang được các đối tượng lợi dụng để mặc sức “tung hoành”, vi phạm trật tự đô thị. Để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông do những xe 3 bánh gây ra, đã đến lúc, Hà Nội phải mạnh tay xử lý đến nơi đến chốn.
Bộ GTVT hiện đã có quy định cấm các loại xe 3 bánh, xe tự chế hoạt động. Về nguyên tắc, lực lượng chức năng phải thu giữ các loại xe này để tránh gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, các quy định, giải pháp này chỉ là phần “ngọn”, chính quyền sở tại và các lực lượng liên quan ở cơ sở phát hiện, thống kê và phải có trách nhiệm tuyên truyền, xử lý triệt để, mới mong xóa sổ được loại xe này.
Theo Khoản 4 Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi lưu thông trên đường bộ đối với xe mô tô, xe gắn máy như sau: Không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3m, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5m, chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5m.
Khoản 3k Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.
Ngoài ra, trường hợp gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng (Khoản 10c). Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng quy định những hành vi bị cấm khi tham gia giao thông đường bộ, trong đó có hành vi: "Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ”. Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, các xe 3 bánh tự chế đã bị cấm hoàn toàn từ ngày 1/1/2008.