Dân 'ngóng' việc xử lý dứt điểm sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội)

Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, nhiều người dân sinh sống quanh khu vực tòa nhà 8B phố Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng Trung ương và TP Hà Nội sớm xử lý dứt điểm sai phạm của tòa nhà, để giữ yên niềm tin, lòng dân vào kỷ cương pháp luật; đảm bảo quyền lợi chính đáng cho cư dân đã mua các căn hộ, nhất là sau khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trả lời cử tri quận Hoàn Kiếm ngày 18/6, cho rằng phải cương quyết cưỡng chế phần công trình vi phạm.

Video tòa nhà 8B Lê Trực "bỏ hoang" hơn 3 năm nay, xuống cấp và lãng phí nghiêm trọng.

Đã hơn 3 năm kể từ khi phát hiện sai phạm, đến nay, việc xử lý tại tòa nhà 8B Lê Trực vẫn “giậm chân tại chỗ”. Tòa nhà hiện đang trong tình trạng bỏ hoang, không người thi công, phá dỡ. Mặc dù có hàng rào tôn che chắn bên ngoài trước mặt tiền tòa nhà trên phố Trần Phú, nhưng người dân vẫn dễ dàng nhìn thấy hình ảnh vỉa hè bị bong tróc, bên trong cỏ dại mọc um tùm, khiến không ít người dân hàng ngày đi qua công trình thấy "bức xúc" vì sự lãng phí khu đất "vàng”, trong khi các hộ dân đã đóng tiền mua căn hộ thì luôn trong tình trạng “ngồi trên đống lửa’.

Chú thích ảnh
Nhà 8B Lê Trực nhìn từ Tòa nhà Văn phòng Quốc hội.

 

Chú thích ảnh
Tầng 19 đã được phá dỡ.

 

Chú thích ảnh
Hàng rào mái tôn tạm bợ trên vỉa hè phố Trần Phú kéo dài trước mặt tòa nhà.

Trước tòa nhà hiện có hai “chòi canh”, một của chủ đầu tư và một của UBND quận Ba Đình, do nhân viên bảo vệ trông coi. Theo đại diện bảo vệ của UBND quận Ba Đình, hàng ngày ngoài việc canh gác tòa nhà, thì nhân viên hai “chòi canh” này... canh gác lẫn nhau, để kịp thời báo cáo về cơ quan chủ quản mọi tình hình, diễn biến và khách ra vào tòa nhà. Suốt 3 năm qua đều trong tình trạng như vậy!

Chú thích ảnh
Các bậc tháng được cho là phần lấn chiếm của toàn nhà.

 

Chú thích ảnh
Phần móng tòa nhà nằm trên vỉa hè.

Chưa hết, đại diện này cho biết: “Không ít hộ dân đã đóng tiền tới 80 – 90% giá trị căn hộ, mà tổng 1 sàn tòa nhà nếu tình theo giá thị trường lên tới 160 - 170 tỷ đồng, hàng ngày vẫn liên tục đến tòa nhà để mong gặp chủ đầu tư hoặc lãnh đạo quận, yêu cầu đảm bảo tiến độ phá dỡ, giao nhà, nhưng đều thất vọng ra về. Rất mong, thành phố và chủ đầu tư sớm xử lý dứt điểm sai phạm, hoàn thành việc phá dỡ, để trả nhà cho cư dân và chúng tôi cũng được thôi công việc trông coi tòa nhà”.

Chú thích ảnh
Vỉa hè trước sảnh ra vào tòa nhà bong tróc, xuống cấp, hoang phế.

Để làm rõ về việc chậm phá dỡ, phóng viên báo Tin tức đã nhiều lần liên hệ với UBND phường Điện Biện, cơ quan quản lý tòa nhà tại địa phương và Công ty cổ phần Tập đoàn Phương Bắc, đơn vị thầu phá dỡ công trình, nhưng vẫn chưa có kết quả.

Chú thích ảnh
Công ty CP Tập đoàn Phương Bắc cắm biển trước tòa nhà, nhưng không liên hệ được.

 

Chú thích ảnh
UBND Phường Điện Biên, cơ quan quản lý tòa nhà tại cơ sở.

 

Chú thích ảnh
Hai "chòi canh" bảo vệ trước tòa nhà.

Trước đó, ngày 5/6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định trách nhiệm phá dỡ, khắc phục sai phạm tại nhà 8B Lê Trực thuộc về Hà Nội. Bộ đã chỉ đạo các chuyên gia đầu ngành hỗ trợ thành phố và đã có văn bản hướng dẫn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sau đó có giải trình thêm: Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với TP Hà Nội xử lý triệt để, trong đó bảo đảm an toàn cho người dân sống trong toà nhà.

Công trình 8B Lê Trực nằm cách Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tòa nhà Quốc hội khoảng 300 m, cách Văn phòng Trung ương Đảng, Phủ Chủ tịch khoảng 500 m. Khi chủ đầu tư xây xong phần thô thì bị phát hiện sai phạm so với giấy phép xây dựng.

Cụ thể từ tầng 8 trở lên (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi 3,36 m so với khối đế, phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m, công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp mà xây thẳng đến mái để tăng diện tích sàn.

Công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m nếu làm đúng giấy phép, nhưng chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tức tăng hơn 6.000 m2 so với giấy phép.

Hà Nội đã kỷ luật hàng loạt cán bộ vì sai phạm tại 8B Lê Trực. Tháng 11/2015, TP Hà Nội bắt đầu phá dỡ phần sai phạm tại dự án này, gần một năm sau thì hoàn thành giai đoạn một. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 3 năm, việc phá dỡ phần sai phạm tại công trình này vẫn chưa hoàn thành. Trên thực tế, việc xử lý sai phạm của toàn nhà 8B Lê Trực đã kéo dài nhiều năm, gây mất mỹ quan đô thị, nhiều nguy cơ mất an toàn, gây nhức nhối trong dư luận nhân dân.

"Viện nghiên cứu của Bộ Xây dựng đã thẩm định và cho rằng, nếu tiếp tục cắt tầng 17, 18, tòa nhà sẽ không an toàn. Thành phố đã chỉ đạo quận Ba Đình trưng cầu giám định tòa nhà. Thời gian tới, thành phố cương quyết phải cưỡng chế. Để đảm bảo kỷ cương pháp luật, thì đập cả tòa nhà này cũng phải đập, vì sai từ móng", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Bài, ảnh, clip: Sơn - Phú/Báo Tin tức
Tiếp tục kiểm tra sau khi có ý kiến từ đơn vị lập phương án phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực
Tiếp tục kiểm tra sau khi có ý kiến từ đơn vị lập phương án phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực

Công ty cổ phần hạ tầng Phương Bắc nhận định, việc phá dỡ giai đoạn 2 nếu tiến hành thì phải phá bỏ cả tòa nhà rất lãng phí tài sản xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN