Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng số điện thoại giả danh là lãnh đạo Sở Y tế, Thanh tra Sở Y tế hoặc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm gọi điện đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do ngành y tế quản lý, yêu cầu đại diện cơ sở có mặt tại cơ sở sản xuất, kinh doanh để làm việc với Đoàn thanh tra, kiểm tra; cho số điện thoại để cơ sở liên lạc.
Các đối tượng này lấy mẫu hình thức tương tự văn bản của các cơ quan quản lý nhà nước để cắt ghép và gửi cho chủ cơ sở. Đây là thủ đoạn lợi dụng cơ quan chức năng nhằm gây tâm lý hoang mang, lo sợ để từ đó yêu cầu các chủ cơ sở nếu muốn không bị kiểm tra thì chuyển tiền để không bị kiểm tra với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mới đây nhất, tại Thanh Hóa xuất hiện văn bản giả mạo chữ ký Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa có nội dung kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế Thanh Hóa đã có văn bản gửi công an tỉnh, các huyện, thị, thành phố và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh khẳng định, các quyết định và thông báo này là giả mạo. Sở Y tế không ban hành bất kỳ văn bản nào như những thông tin và hình ảnh đang xuất hiện trên mạng xã hội mà người dân cung cấp.
Tại Long An, cũng xảy ra tình trạng giả mạo văn bản Sở Y tế tỉnh trên mạng. Lãnh đạo Sở Y tế Long An cho biết đã chuyển vụ việc giả mạo văn bản này cho Công an xác minh, làm rõ. Đồng thời đề nghị người dân khi phát hiện có đối tượng sử dụng quyết định giả để đến kiểm tra các cơ sở kinh doanh và đề nghị cung cấp các giấy tờ thì cần báo ngay cơ quan công an nơi gần nhất hoặc gọi đường dây nóng Sở Y tế tỉnh Long An.
Còn tại Đồng Nai gần đây cũng xuất hiện các đối tượng sử dụng văn bản giả mạo chữ ký của Giám đốc và các Phó Giám đốc Sở Y tế thông báo về việc thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cơ sở bán lẻ thuốc.
Liên quan sự việc, lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai khẳng định, những văn bản giả mạo chữ ký các lãnh đạo Sở Y tế nhằm mục đích thông báo kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và bán lẻ thuốc tây là hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Sở Y tế Đồng Nai không thực hiện bất kỳ cuộc gọi hay yêu cầu kiểm tra nào qua điện thoại. Sở cũng cảnh báo, các cơ sở kinh doanh thực phẩm, thuốc tây ở tỉnh Đồng Nai cần hết sức cảnh giác, kiểm tra đầy đủ thông tin của đoàn kiểm tra. Khi gặp trường hợp nghi ngờ hoặc nhận được thông tin giả mạo, các cơ sở cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng, đường dây nóng của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, Phòng Y tế hoặc Trung tâm Y tế các huyện, thành phố để được hướng dẫn xử lý.
Trước thông tin này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh; Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh thông báo thủ đoạn giả danh các đoàn thanh tra, kiểm tra. Cục An toàn thực phẩm đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý về an toàn thực phẩm thông tin đến cán bộ, nhân viên, các cơ quan truyền thông của tỉnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn biết được thủ đoạn nêu trên.
Trường hợp các cơ sở sản xuất kinh doanh phát hiện các văn bản nghi ngờ giả mạo (văn bản thường sai về thể thức, nội dung yêu cầu thanh tra, kiểm tra, hoặc văn bản cắt ghép, hoặc không đúng chức danh của người kí văn bản, chữ kí giả mạo...) thì thông báo đến đường dây nóng của Sở Y tế, Thanh tra Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hoặc cơ quan công an nơi gần nhất. Phối hợp với cơ quan Công an để xử lý những trường hợp phát hiện sai phạm theo quy định của pháp luật.
Đối với các tỉnh ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) đề nghị thông báo cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ trong đó có nội dung yêu cầu tạm ngưng các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.