Sập bẫy “việc nhẹ, lương cao”
Toàn tỉnh Lai Châu có gần 20 công dân bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ sang Campuchia lao động. Những trường hợp này độ tuổi từ 16-23, hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc tại nhà máy, khu công nghiệp, công ty ở các tỉnh miền xuôi.
Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của thanh niên, các đối tượng xấu đã kết bạn, nhắn tin hoặc gọi điện làm quen và giới thiệu “việc nhẹ lương cao” qua trang mạng xã hội như facebook, zalo... Hấp dẫn lời mời đó, nhiều thanh niên đã bị dụ dỗ.
Sau khi tốt nghiệp Trung học Cơ sở, thay vì lựa chọn học tiếp, em Tẩn A Sài ở bản Tà Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường quyết định đi làm tại khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Ninh để phụ giúp gia đình với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Một lần lướt facebook đọc được thông tin tuyển người làm trên máy tính tại Bình Dương, công việc nhẹ nhưng mức lương cao từ 18 - 20 triệu đồng/tháng, Sài thầm nghĩ, mức lương này quá hấp dẫn, gấp 3 lần so với hiện tại nên em đã tin và rủ các bạn đi làm cùng.
Theo lời kể của Sài, trong lời chào mời quảng cáo, các em sẽ làm việc tại tỉnh Bình Dương nhưng thực tế Sài và bạn bị lừa sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. “Việc nhẹ, lương cao” mà Sài và các bạn làm là thực hiện các app trên mạng. Các app này thực chất là lừa đảo, dụ dỗ người khác nạp tiền vào, khi nhận được số tiền lớn, đối tượng sẽ khóa tài khoản để rút tiền. Khi không làm được việc, Sài bị đe dọa, bắt gia đình phải gửi tiền chuộc. Không còn cách nào khác, em gọi điện về nhà cho bố mẹ gửi 90 triệu đồng để chuộc với lý do “chi phí đưa sang công ty” và “bồi thường hợp đồng lao động”.
Khi nộp đủ số tiền, Sài được đưa tới cửa khẩu Mộc Bài nhưng vì xuất cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch nên em bị nộp phạt.
Được biết, thu nhập của gia đình Sài chỉ trông chờ vào ruộng nương nhưng vì lo cho tính mạng của con trai nơi đất khách nên bố mẹ em đã đi vay ngân hàng 100 triệu đồng để chuộc con.
Trở về Việt Nam từ tháng 4/2022 nhưng đến nay em Lù A Ỏn ở bản Phô Hồ Thầu, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghĩ về khoảng thời gian phải chịu đòn roi ở Campuchia.
Do kinh tế gia đình khó khăn nên em đi lao động ở Bắc Ninh để phụ giúp bố mẹ. Sau đó, các bạn rủ em đi làm việc tại Bình Dương với mức lương cao, công việc nhẹ và bị lừa sang Campuchia. Vì không biết làm các app trên mạng nên em bị người trong công ty khóa tay bằng còng số 8, đánh đập tại văn phòng. Sau đó, em nhờ các bạn trong xã Hồ Thầu liên lạc về gia đình để người thân gửi tiền chuộc. Khi người nhà chuyển hơn 100 triệu đồng thì em được trở về. Chỉ vì nhẹ dạ, tin vào lời dụ dỗ mà em phải chịu đòn roi và khiến gia đình mang một món nợ lớn, em vô cùng ân hận, em Lù A Ỏn chia sẻ.
Nâng cao nhận thức cho người dân
Theo thông tin từ UBND xã Hồ Thầu, qua rà soát trên địa bàn có 6 trường hợp bị kẻ xấu lừa sang Campuchia lao động. Đến nay, có 4 trường hợp người nhà phải chuyển tiền chuộc về, hầu hết các gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn, phải đi vay mượn ngân hàng hoặc bán đất.
Ông Quách Tá Thiện, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết, chính quyền địa phương chỉ đạo Công an xã điều tra nắm rõ vụ việc, đồng thời, tích cực tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác về thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm này để không bị đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo, sập bẫy "việc nhẹ, lương cao", trở thành gánh nặng cho gia đình.
Không chỉ tại xã Hồ Thầu, trên địa bàn các xã Bản Giang, Bản Bo, Tả Lèng, Giang Ma của huyện Tam Đường cũng ghi nhận trường hợp sập bẫy "việc nhẹ, lương cao". Đây là hồi chuông cảnh báo các thanh niên không nên tin vào lời quảng cáo trên mạng xã hội về tuyển dụng lao động để đổi đời.
Hiện nay, toàn huyện Tam Đường có 2.323 người đi làm ăn xa tại các tỉnh, thành phố. Trong đó, có 17 công dân bị lừa sang Campuchia lao động, 10 công dân đã trở về nhà an toàn do gia đình gửi tiền chuộc.
Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng huyện Tam Đường nhanh chóng vào cuộc, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đồng thời, định hướng cho nhân dân không nhẹ dạ cả tin, tránh cạm bẫy "việc nhẹ, lương cao".
Huyện Tam Đường yêu cầu người dân khi đi làm việc ở ngoài tỉnh phải đăng ký và có giấy xác nhận của cấp ủy, chính quyền địa phương. Huyện khuyến cáo người dân nếu có nhu cầu đi lao động tại các nước liên hệ với cơ quan, đơn vị, trung tâm giới thiệu việc làm để làm thủ tục hợp pháp, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, đặc biệt cảnh giác trước chiêu trò dụ dỗ, lôi kéo của đối tượng xấu tránh tiền mất, tật mang.
Tam Đường tập trung rà soát số công dân trên địa bàn đi lao động, làm thuê tại các tỉnh, thành phố để tuyên truyền người thân thường xuyên liên lạc, nhắc nhở, đề cao cảnh giác trước âm mưu, hoạt động của đối tượng lừa đảo xuất cảnh sang Campuchia.
Ngay sau khi nắm sự việc trên, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành công văn về việc tăng cường lãnh, chỉ đạo phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng công dân bị lôi kéo, lừa đảo xuất cảnh sang Campuchia lao động. Tỉnh ủy Lai Châu yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng và hậu quả của việc xuất cảnh trái phép sang Campuchia lao động.
UBND tỉnh Lai Châu phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố thực hiện tốt chính sách bảo hộ công dân nhằm sớm giải cứu, đưa công dân của tỉnh đang bị giữ tại Campuchia về nước. Các huyện, thành phố triển khai biện pháp ngăn chặn công dân xuất cảnh trái phép sang Campuchia và các nước khác để lao động.
Công an tỉnh tăng cường biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình, quản lý tốt hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng của công dân; phối hợp với lực lượng Biên phòng ngăn chặn kịp thời tình trạng lừa đảo, lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang nước ngoài nói chung và Campuchia nói riêng để lao động.