Sau khi thực hiện thụt tháo thải độc bằng cà phê tại một phòng khám tư nhân, chị Đ.T.P (38 tuổi) bị đau bụng dữ dội vùng chậu dưới rốn, kèm đi ngoài ra máu; nên đã được đưa tới cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước đó, bệnh nhân đã sử dụng phương pháp thụt tháo bằng cà phê 2 lần, mỗi lần cách nhau một tuần. Đến lần thứ ba, ngay trong quá trình thụt tháo, bệnh nhân thấy đau dữ dội vùng bụng dưới kèm chảy máu qua hậu môn.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, chụp cộng hưởng từ, các bác sĩ đã phát hiện hình ảnh tụ dịch khí khoang sau phúc mạc của bệnh nhân, nghi ngờ vỡ trực tràng. Vì vậy, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cấp cứu để xử lý tổn thương.
BS. Nguyễn Thành Khiêm, Khoa Phẫu Thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy cho biết: “Quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân đã ghi nhận tổn thương vỡ trực tràng 1/3 dưới gây áp xe khoang sau phúc mạc. Kíp phẫu thuật đã tiến hành khâu chỗ vỡ trực tràng, đồng thời dẫn lưu rộng rãi khoang sau phúc mạc và làm hậu môn nhân tạo đoạn đại tràng Sigma. Hiện sau 14 ngày, bệnh nhân xuất viện và đã ăn uống, sinh hoạt bình thường, tuy nhiên bệnh nhân sẽ phải chịu một cuộc phẫu thuật nữa sau vài tháng để đóng lại hậu môn nhân tạo”.
Từ một người đang bình thường khỏe mạnh, chỉ vì tin vào những thông tin lan truyền không căn cứ, quảng cáo sai sự thật để bán hàng, chữa bệnh... bệnh nhân đã phải chịu đựng 2 cuộc mổ nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe hiện tại và sau này; bên cạnh đó còn nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, công việc và gia đình...
Theo BS. Nguyễn Thành Khiêm, thụt tháo là một biện pháp dùng chất lỏng bơm ngược từ hậu môn vào trực tràng, các chất lỏng này có tác dụng làm mềm phân. Đây là phương pháp được chỉ định trong các trường hợp táo bón khó đi ngoài, cần làm sạch đại tràng để làm thủ thuật, phẫu thuật hay một số trường hợp đặc biệt cần thụt thuốc để chẩn đoán, điều trị.
Trên thực tế, việc bơm cà phê vào hậu môn sẽ làm trực tràng bị giảm kích thích, lâu dài làm mất phản xạ của trực tràng, không thụt cà phê là không đại tiện được. Đồng thời, việc mất phản xạ của trực tràng cũng làm tăng nguy cơ vỡ trực tràng trong những lần thụt tháo sau, do bệnh nhân không còn cảm giác buồn đại tiện nữa.
Đặc biệt, việc đưa thuốc theo con đường trái tự nhiên, sẽ đẩy hệ vi sinh đường ruột vào trạng thái mất cân bằng. Việc thụt cà phê có thể gây viêm đại trực tràng, có nhiều báo cáo khoa học về việc này.
Trên thế giới đã có khuyến cáo việc làm sạch ruột sẽ gây nguy cơ mất nước, mất cân bằng điện giải, suy giảm chức năng ruột và phá vỡ hệ vi khuẩn đường ruột. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ - U.S. National Institutes of Health, không có bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào cho thấy các chương trình detox thải độc hoặc làm sạch thực sự loại bỏ độc tố khỏi cơ thể hoặc cải thiện sức khỏe. Bên cạnh đó, các quy trình làm sạch đại tràng hoặc thụt rửa (một phương pháp giải độc phổ biến), “có thể có tác dụng phụ, một số trong đó có thể nghiêm trọng”...
Theo các bác sĩ, việc thụt tháo đại tràng là một phương pháp điều trị cần được chỉ định bởi các bác sỹ chuyên khoa và được thực hiện tại các cơ sở y tế có cấp phép. Thay vì áp dụng các phương pháp không chính thống, mỗi người nên tự bảo vệ hệ tiêu hóa bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau củ… Đồng thời, hạn chế bia rượu, thịt đỏ, đồ ăn nhiều dầu mỡ; thường xuyên vận động cũng giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn mỗi ngày.