Ngày 9/10, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó khoa Bỏng – Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, bệnh nhi L. M. Đ được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến trong tình trạng vết thương đứt lìa 3 ngón tay ở bàn tay trái gồm ngón 3, 4 và 5. Trong đó, người nhà bệnh nhi chỉ đưa phần ngón tay số 4 bị đứt lìa, 2 ngón còn lại không tìm thấy.
“Ngón tay số 4 bị đứt lìa được người nhà bảo quản cẩn thận và đưa đến bệnh viện kịp thời. Trải qua hơn 3 tiếng đồng hồ, kíp mổ đã phẫu thuật khâu nối vi phẫu xong vết thương cho bé”, bác sĩ Ngà cho biết thêm.
Theo Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị tại nạn đứt lìa ngón tay. Phần lớn các trường hợp này do trẻ bất cẩn trong quá trình sinh hoạt. Bác sĩ Ngà cho biết, đứt lìa ngón tay là các vết thương phức tạp, thường gặp. So với người lớn, khản năng phục hồi của trẻ tốt hơn.
Bên cạnh đó, khâu nối thành công sẽ giúp tái lập tuần hoàn mới, phục hồi chức năng, tránh co rút, nhiễm trùng, tránh được các di chứng. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc nhiều vào quy mô, tình trạng của vết thương.
Bác sĩ Ngà khuyến cáo khi gặp sự cố, cần ưu tiên cầm máu bằng băng gạt hay dùng khăn, vải sạch quấn lại và đến cơ sở y tế gần nhất. Với các bộ phận bị đứt lìa nên bảo quản, tránh nhiễm trùng.