Những điều mẹ nên làm khi con bị sốt cao co giật

Thời tiết ẩm ướt, lại thay đổi thất thường sẽ tạo điều kiện để các loại virút gây bệnh phát triển mạnh. Do đó, đây là thời điểm trẻ các bậc cha mẹ rất lo lắng vì con trẻ hay bị sốt cao, thậm chí nhiều bé còn kèm co giật.

Bệnh nhi đến khám tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Cần tin tưởng bác sĩ


Thấy bé Quang Huy (2 tuổi) bị sốt cao co giật, chị Nguyễn Thu Nga (Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tức tốc đưa con đến Bệnh viện Thanh Nhàn. Nhìn con trai cứ thỉnh thoảng lại lên cơn co giật dù đã được uống thuốc hạ sốt, gia đình chị Nga rất lo lắng, nằng nặc xin được chuyển viện lên Bệnh viện Xanh Pôn để được điều trị ở khoa Nhi.


“Tại Bệnh viện Xanh Pôn, cháu vẫn sốt cao co giật liên tục dù bác sĩ kê thuốc và gia đình vẫn thường xuyên chườm nước ấm cho con. Nhìn con nằm mê man suốt mấy ngày, gia đình tôi lo lắng vô cùng, chỉ sợ ảnh hưởng đến não của con”, chị Nga lo lắng chia sẻ.


Cũng bởi quá lo cho con, gia đình chị Nga năm lần bảy lượt xin các bác sĩ điều trị cho đi chụp city não, làm mọi các xét nghiệm… để xem nguyên nhân gây sốt cao, nhất là có mắc bệnh động kinh hay không. Vậy nên, sau khi nghe bác sĩ điều trị trả lời bệnh nhi bị sốt cao do viêm nhiễm, chị Nga và gia đình vẫn không yên tâm, chỉ sợ điều trị mà chưa đúng nguyên nhân.


Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, khi trẻ bị sốt cao, rất nhiều bậc phụ huynh có tâm trạng lo lắng, thậm chí hoảng sợ hơn cả gia đình chị Nga.


Trước đây, nếu khám mà chẩn đoán nguyên nhân co giật do sốt cao thì kia ngay các thầy thuốc cũng sợ ảnh hưởng đến não trẻ, cho làm nhiều xét nghiệm, điện não đồ, uống nhiều loại thuốc... Song, qua theo dõi lâu dài cho thấy việc co giật khi trẻ bị sốt cao không ảnh hưởng đến não của trẻ”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định.


Các bác sĩ thần kinh và nhi khoa trên toàn thế giới khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên cho trẻ uống thuốc động kinh, thậm chí còn không cần ghi điện thoại não đồ ngay sau cơn co giật mà chỉ cần theo dõi động kinh.


Trên thị trường, hiện có những tên thuốc ghi là phòng sốt cao, co giật cho trẻ do sốt cao, nhưng chuyên gia nhi khoa khẳng định: “Không có thuốc nào có thể phòng được co giật, sốt cao”. Nhiều bà mẹ vì quá hoảng sợ, vội cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay khi con mới 38 độ vì con có tiền sử sốt cao co giật là không cần thiết; nhiều nghiên cứu đã chứng minh giải pháp này không có tác dụng gì với việc làm giảm co giật nếu trẻ có cơ địa hay co giật.


Không dùng vật cứng ngáng miệng trẻ


Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khi trẻ bị co giật thì bố mẹ cần bình tĩnh, cho trẻ nằm nghiêng. Cởi bỏ bớt quần áo cho trẻ dễ thở và hạ bớt thân nhiệt. Làm mát môi trường xung quanh bằng cách mở thông thoáng cửa sổ và cửa ra vào. Đặc biệt, lúc này, tuyệt đối không dùng vật cứng để ngáng miệng trẻ.


“Nhiều người cho rằng, khi trẻ bị co giật thì răng dễ cắn vào lưỡi, gây chảy máu, nguy hiểm. Tuy nhiên, qua theo dõi cấp cứu nhi khoa cho thấy đây là việc cần tránh, có thể khiến trẻ gẫy răng. Vậy nên, cần đợi đến khi trẻ hết cơn co giật thì mới cho khăn mỏng vào giữa hai hàm răng của trẻ để tránh cơn co giật kế tiếp; rồi đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.


Đáng lưu ý, việc hạ sốt bằng biện pháp vật lý như chườm nước ấm cho trẻ hiện lại được chuyên gia nhi khuyến cáo là “không hiệu quả” và chỉ có tác dụng tâm lý. Thậm chí, biện pháp này có thể gây tác hại đối với em bé sốt có triệu chứng về hô hấp, dễ khiến trẻ dễ nhiễm lạnh và viêm phổi.


Khi thấy trẻ sốt cao, bứt rứt, quấy khóc, các bậc cha mẹ cần đo nhiệt độ (ở nách là chính xác nhất), khi đạt 38,5 độ thì có thể dùng thuốc hạ sốt. Lưu ý, không nên uống xen lẫn các loại thuốc hạ sốt với nhau vì dễ gây nhầm lẫn về thời gian uống tiếp theo. Hơn nữa, trong trường hợp thuốc hạ sốt gây tác dụng phụ cho trẻ thì thấy thuốc rất khó khăn để xác định nguyên nhân do loại thuốc nào.


“Trường hợp trẻ uống thuốc hạ sốt mà nhiệt độ không xuống thì các phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được thăm khám, tìm bệnh vì rất có thể trẻ đã mắc bệnh khác. Mặt khác, cần tránh bọc cháu kín quá, nên cho trẻ mặc đồ mát để trẻ dễ thở và hạ bớt thân nhiệt; tránh tình trạng con sốt cao mà mẹ vẫn ủ kỹ trong áo khoác dày và chăn bông...”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng căn dặn.


Phương Liên
Xác định nguyên nhân 16 học sinh sốt cao bất thường
Xác định nguyên nhân 16 học sinh sốt cao bất thường

16 học sinh lớp 4B của Trường Tiểu học và THCS Xuân Thành (xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh) đã được đưa vào Trung tâm Y tế huyện với các triệu chứng như sốt trên 39 độ, ho và đau đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN