Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Gia đình vui, đẩy lùi COVID” do Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, Mạng lưới Quản trị quyền trẻ em, Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tổ chức.
Tại tọa đàm, các diễn giả đã thảo luận về những thách thức, khó khăn, ảnh hưởng của dịch COVID – 19 đến sự phát triển của trẻ em, đặc biệt là những trẻ em dễ bị tổn thương; đưa ra những khuyến nghị, giải pháp để hỗ trợ cho những trẻ em này.
Chia sẻ về những thách thức của đại dịch COVID-19 liên quan đến trẻ em, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Ninh Thị Hồng cho biết, trong tháng 4/2020, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã phối hợp với nhiều đơn vị thực hiện khảo sát “Ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19 tới trẻ em” nhằm tìm hiểu những ảnh hưởng của dịch COVID - 19 tới trẻ, từ đó đưa ra những đề xuất để ứng phó.
Khảo sát được thực hiện tại 28/63 tỉnh, thành phố từ ngày 15-30/4/2020 với sự tham gia của 707 trẻ em và người dưới 18 tuổi, 2.027 người chăm sóc trẻ. Kết quả cho thấy, áp lực trong học tập là áp lực lớn mà trẻ gặp phải khi ở nhà do dịch bệnh; phần lớn trẻ cho rằng học online gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và trẻ chưa có kiến thức hoặc chưa thành thạo các kỹ năng sử dụng internet an toàn trong khi rất ít người chăm sóc trẻ có cùng suy nghĩ…
Bà Ninh Thị Hồng cho rằng, khảo sát chưa thể đại diện tiếng nói của trẻ em do chỉ mới tiếp cận đến những em biết sử dụng mạng, có thiết bị máy tính, điện thoại... chưa tiếp cận được tới trẻ em vùng sâu, vùng xa, trong các nhà bảo trợ, mái ấm… Tuy nhiên, với thời gian ngắn và nguồn kinh phí có hạn, khảo sát cũng đã ghi nhận được ý kiến của một bộ phận trẻ em và người dân để từ đó có những biện pháp, phương án làm tốt hơn.
Tại tọa đàm, nhiều phụ huynh đưa ra câu hỏi làm sao để giải quyết những khó khăn của trẻ em, nhất là những trẻ dễ bị tổn thương, khuyết tật, dân tộc thiểu số không có điều kiện học tập trực tuyến, thời gian học tập ít hay bị gián đoạn. Đặc biệt, với trẻ em khuyết tật về trí tuệ, khả năng tiếp thu kém, không thể độc lập trong việc học trực tuyến. Ngoài ra, còn có những câu hỏi liên quan đến vấn đề thể chất, an sinh xã hội, nhất là các gia đình khó khăn tài chính, không đảm bảo đủ bữa ăn, ảnh hưởng tinh thần của trẻ…
Giải đáp những thắc mắc trên, bà Vũ Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục trẻ em cho biết: Với chức năng quản lý nhà nước về trẻ em, Cục Trẻ em đã tham mưu cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành các chỉ đạo đến các sở, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em về vấn đề phòng bệnh, đảm bảo an toàn theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và yêu cầu của Bộ Y tế trong việc hướng dẫn phòng bệnh cho trẻ em.
Cục cũng phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước xây dựng các hướng dẫn đảm bảo an toàn cho trẻ em và phụ nữ tại khu cách ly tập trung; phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em; hỗ trợ về tâm lý cho trẻ trong đại dịch COVID–19; hướng dẫn cho cha mẹ và trẻ cách phòng ngừa xâm hại trên môi trường mạng hay xâm hại, bạo lực với trẻ em tại gia đình… Các hướng dẫn được làm ngắn gọn, đưa ra các nguy cơ; việc trẻ em và gia đình cần tránh; lời khuyên cho cha mẹ trong việc hướng dẫn và cách phát hiện nguy cơ để phòng ngừa cho con. Các hướng dẫn đã được đăng tải lên mạng và cổng thông tin của các Bộ Lao động - Thương và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông để truyền tải và hướng dẫn cộng đồng…
Bà Vũ Kim Hoa cũng cho biết, Cục Trẻ em đang xây dựng chương trình tập huấn về hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tinh thần cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ; phối hợp cùng UNICEF và các tổ chức quốc tế chuẩn bị một chiến dịch truyền thông về đảm bảo an toàn cho trẻ trước ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19. Cục mong muốn có một chiến dịch kết hợp tổng lực các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội trong nước và quốc tế để lan tỏa đến nhiều đối tượng ở mọi vùng miền cách bảo vệ trẻ em trong và sau đại dịch COVID-19.