Xuân về trên xã đảo xa nhất TP Hồ Chí Minh

Nằm cách trung tâm TP Hồ Chí Minh hơn 100 km về phía Đông, xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) được xem là xã đảo xa xôi cách trở, thuộc diện khó khăn nhất của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành chức năng, đến nay xã đảo này đã có những bước chuyển mình, đổi thay.


Đảo nghèo nơi đầu sóng


Từ thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, chúng tôi lên một con đò ngang cũ kĩ của người dân địa phương để ra xã. Phải mất gần một giờ đồng hồ lênh đênh giữa biển khơi, đối mặt với những đợt sóng khiến con đò nhỏ lúc nghiêng sang phải, lúc nghiêng sang trái, có khi muốn lật nhào xuống biển…, cuối cùng, chúng tôi đã đặt chân lên xã đảo xa nhất thành phố.


Điện lưới quốc gia đã được kéo về xã phục vụ bà con 24/24 giờ.


Hiện cả xã có 3 ấp là Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng với diện tích tự nhiên khoảng 13.000 ha, chủ yếu là rừng ngập mặn. Cuộc sống của người dân xã chủ yếu dựa vào nghề biển, với hai nghề truyền thống là làm muối và đánh bắt thủy sản. Nghề làm muối thì bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết và thị trường; trong khi đó, nghề đánh bắt thủy sản lại chủ yếu bằng các phương tiện đánh bắt nhỏ lẻ, đơn sơ. Vì vậy, thu nhập của người dân bấp bênh và mức sống người dân xã đảo Thạnh An cũng thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của người dân trong trung tâm TP Hồ Chí Minh.


Anh Lê Thanh Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An, cho biết: “Toàn xã đảo có khoảng 1.165 hộ dân thì có gần 60% là hộ nghèo, cuộc sống mưu sinh chỉ trông chờ vào đánh bắt thủy sản gần bờ và làm muối. Tuy nhiên, những nghề này lại trông vào thời tiết do đó đời sống của người dân rất khó khăn. Ngoài ra, vì “đò ngang cách trở” nên hàng hóa thiết yếu, vật tư xây dựng… trên đảo đều phải vận chuyển từ đất liền ra, càng khiến cho đời sống của người dân khó khăn hơn”.


Để xây dựng được một ngôi nhà kiên cố, chống chịu được gió bão, sóng biển…, thì người dân phải vận chuyển vật liệu xây dựng từ đất liền ra, đẩy chi phí một ngôi nhà lên cả hàng trăm triệu đồng so với mức thu nhập ít ỏi của người dân xã đảo, nên đó chỉ là mơ ước. Vì vậy, hầu hết những ngôi nhà ở nơi đây, đều được các tổ chức xã hội từ thiện ở khắp nơi về xây cất trao tặng.


Người dân xã Thạnh An đang dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết.


Ông Bảy, một người dân sinh sống lâu năm trên xã đảo, cho biết: “Những ngôi nhà trong xã đảo này, hầu hết không treo biển số nhà mà chỉ treo bảng “Nhà tình thương, tình nghĩa”. Bởi cuộc sống của bà con ở đây rất khó khăn làm sao mà có tiền xây cất nhà cửa. Chẳng hạn, với nghề đánh bắt thủy sản, nếu hôm nào gặp thời tiết thuận lợi, trung bình một chiếc ghe có bốn lao động đi đánh lưới gần bờ, chỉ thu nhập khoảng 200.000 đồng. Tuy nhiên, nếu gặp mùa gió chướng, biển động, sóng to, ghe và chủ chỉ còn biết “trùm mền”.


Điện về khắp xã


Thấu hiểu được những khó khăn của xã đảo nghèo, đồng thời để xã đảo vươn lên phát triển kinh tế, xã hội, thời gian qua, cả hệ thống chính trị của TP Hồ Chí Minh đã dồn sức thực hiện hàng loạt chương trình, chính sách ưu tiên, ưu đãi như: Đầu tư nâng cấp trạm y tế, trường học đạt chuẩn quốc gia, kiên cố hệ thống đê kè ven biển chống xâm thực của triều cường, xây dựng đường giao thông nông thôn khang trang, cung cấp nước ngọt tới từng hộ dân, đặc biệt là mang điện tới khắp xã đảo.


Ông Võ Hoàng Kiệt, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thạnh An, cho biết: “Trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội, đời sống về vật chất, tinh thần của người dân có nhiều chuyển biến. Cách đây khoảng 10 năm về trước, đời sống của người dân vô cùng khó khăn, bà con không thể tự chủ động trong việc sản xuất, phát triển kinh tế, trình độ dân trí rất thấp; điện, nước về xã rất khó khăn… Tuy nhiên, những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố, của huyện, cũng như sự nỗ lực của xã và bà con, đến nay tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến rõ rệt”. Theo đó, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm rất nhiều, nếu như đầu năm 2012 toàn xã có 508 hộ nghèo (chiếm gần 60%) thì đến cuối năm 2012 vừa qua còn 385 hộ nghèo và cận nghèo (chiếm 30%). Từ đầu tháng 12/2012, điện lực huyện Cần Giờ đã đảm bảo cung cấp điện sáng phục vụ bà con 24/24 giờ (trước chỉ phục vụ từ 12-18/24 giờ). Tất cả hộ dân trên xã đảo đã được dùng nước ngọt 100%. Người dân được tiếp cận với y tế và giáo dục đạt chuẩn quốc gia, con em, học sinh trên địa bàn xã được miễn học phí hoàn toàn vì vậy trình độ học vấn người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, người dân đã chủ động trong việc phát triển sản xuất nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chứ không còn trông chờ vào thiên nhiên như trước.


Bà Mười, hơn 40 năm sinh sống tại xã đảo Thạnh An, tâm sự: “Cuộc sống của bà con ở đây đã thay đổi đáng kể so với cách đây gần 10 năm. Nếu như trước đây nhà của người dân toàn nhà sàn bằng cây đước, ván gỗ thì nay người dân đã được ở trong nhà xây bằng gạch. Ngày xưa, cả xã chỉ có một con đường độc đạo nhưng thường xuyên ngập nước, đến nay đã có nhiều đường vào đảo được đổ bằng bê tông rất sạch sẽ. Ngoài ra, từ chỗ không có điện, nước sinh hoạt thì nay điện, nước sạch “chạy” về tận nhà. Có được như vậy là nhờ vào những chính sách, sự quan tâm của Nhà nước, thành phố. Hiện đời sống của người dân chúng tôi nơi đây ngày càng ấm no hơn”.


Phát triển thành đảo du lịch


Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Tỵ, đến thăm xã đảo, đi đâu cũng thấy bà con náo nức chuẩn bị đón Tết. Việc chuẩn bị đón Tết của người dân xã đảo khác hẳn so với những người dân trong đất liền. Song song với công việc chuẩn bị sửa sang lại nhà cửa khang trang, nhiều gia đình còn sơn sửa lại ghe, thuyền để chuẩn bị cho những chuyến đánh bắt đầu năm. Bởi đối với dân xã đảo, ghe, thuyền còn quý hơn nhà.


Phụ nữ trên xã đảo đan lưới để chuẩn bị cho những chuyến đánh cá đầu năm.


Ông Hoàng Kiệt cho biết: “Năm nay, để người dân xã đảo có cái Tết ấm cúng, lãnh đạo xã đã vận động các đơn vị, mạnh thường quân chăm lo các phần quà Tết cho bà con nghèo. Đến nay tất cả các hộ nghèo, chính sách có công trong xã đã được nhận quà Tết, với trị giá mỗi phần quà từ 300.000-500.000 đồng/hộ. Ngoài ra, những ngày gần đây, toàn xã đảo Thạnh An rộn rã hẳn lên khi có nhiều đoàn khách từ thành phố và các nơi đến thăm hỏi, động viên và tặng quà Tết cho dân nghèo. Niềm vui đầu xuân này như thổi một luồng gió mới vào cuộc sống người dân ở vùng đảo xa xôi”.


Theo lãnh đạo xã, bên cạnh việc duy trì phát triển kinh tế - xã hội của xã đảo vươn lên thoát nghèo, trong tương lai, với hướng phát triển bền vững, huyện Cần Giờ đã trình UBND thành phố đề án xây dựng, biến xã đảo thành đảo du lịch sinh thái. Theo đề án, sắp tới xã đảo sẽ di dời khoảng 1/3 hộ dân lên đất liền (khoảng 300-400 hộ) sinh sống và lập nghiệp. Sau đó, tập trung phát triển xã đảo theo hướng dịch vụ du lịch, nhà hàng khách sạn, trung tâm hội nghị… Đây là đề án có tính khả thi cao để giúp cuộc sống người dân nơi đây trở nên tốt hơn nhờ vào du lịch.


“Trước khi chuẩn bị làm đề án, UBND huyện, xã đã khảo sát lấy ý kiến của người dân và bà con rất đồng tình. Bởi chủ trương của huyện là di dời những hộ dân không có công ăn việc làm, ngành nghề, không có ghe lên bờ lập nghiệp. Đối với những hộ dân còn lại, huyện muốn xã tập trung hướng họ vào làm dịch vụ du lịch. Theo đó, những người có ghe, thuyền sẽ ở lại đảo làm những công việc như: Đánh bắt và nuôi trồng thủy sản để phục vụ tại chỗ và du khách khi đến xã đảo. Dự kiến, chậm nhất đến năm 2014-2015, dự án sẽ đi vào khởi động” - ông Hoàng Kiệt vui mừng cho biết.



Bài và ảnh: Hoàng Tuyết­

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN