Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia thảo luận về những vấn đề lý luận, thực trạng và hệ thống giải pháp, khuyến nghị xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng và văn học, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn học nghệ thuật ngày càng được chú trọng đẩy mạnh trên cả phương diện chủ trương, đường lối và khâu triển khai vào thực tiễn. Điều này càng quan trọng trong bối cảnh xã hội thông tin, các dòng chảy thông tin tác động trực tiếp đến thể chế chính trị, hoạt động xây dựng nhà nước pháp quyền và xây dựng Đảng, đến sự phát triển của lĩnh vực khoa học - công nghệ, đến sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, tác động đến nền văn hóa Việt Nam...
Trước yêu cầu cấp bách của việc bảo vệ nền tảng lý luận, tư tưởng của Đảng, cùng với thách thức của sự phát triển xã hội thông tin, đòi hỏi phải nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn vấn đề xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trong lĩnh vực lý luận, tư tưởng, văn học, nghệ thuật. Từ đó tìm kiếm giải pháp và mô hình tối ưu hóa xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trong lĩnh vực lý luận, tư tưởng, văn học, nghệ thuật ở nước ta hiện nay. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lưu Văn An, Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Báo chí và Tuyên truyền, “Đấu tranh, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học nghệ thuật là mặt trận khá phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi bản lĩnh, phẩm chất chính trị vững vàng để đấu tranh trên cơ sở khoa học, lý luận, giá trị tư tưởng Chủ nghĩa Mác Lênin, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết những chia sẻ tại hội thảo góp phần làm rõ lý thuyết và tình hình thực tiễn nghiên cứu, thực trạng, vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng và văn học, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Các tham luận tập trung vào 4 mục tiêu: Hệ thống hóa, xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng và văn học, nghệ thuật trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin tại Việt Nam; nhận diện, phân tích thực trạng chủ thể, nội dung, phương thức và hình thức xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng và văn học, nghệ thuật trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin; những vấn đề đặt ra, đề xuất hệ thống giải pháp xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng và văn học, nghệ thuật ở Việt Nam; nghiên cứu đề xuất quy trình và khuyến nghị khoa học để xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng và văn học, nghệ thuật ở Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, cần tăng cường tính chiến đấu của mảng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, nhất là ở các cơ quan chỉ đạo, quản lý và các cơ quan báo chí, xuất bản văn hóa, văn nghệ chủ lực; coi trọng việc đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm với thông tin, quan điểm sai trái, phản động ở lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản mà các thế lực thù địch, cơ hội tán phát trên internet và các phương tiện, loại hình truyền thông hiện đại. "Quan trọng nhất, trước cuộc đấu tranh vừa dai dẳng, vừa khó khăn này đòi hỏi sự hợp lực, đấu tranh một cách bài bản, kiên định, có ý chí quyết tâm cao, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng", ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Xuất phát từ thực tiễn hoạt động báo chí, Đại tá Nguyễn Văn Hải (Báo Quân đội Nhân dân) chỉ ra thực trạng phát tán, truyền tải thông tin sai lệch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, làm xói mòn niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân về sự nghiệp cách mạng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giải pháp khắc phục tình trạng trên là ngăn chặn, đẩy lùi những tác phẩm có tư tưởng, nội dung sai lệch, phản động qua việc Đảng, Nhà nước chăm lo, đầu tư thiết thực cho đội ngũ văn nghệ sĩ để họ yên tâm sáng tác, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của dân tộc; nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ văn nghệ sĩ, từ đó khuyến khích họ sáng tác các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.