Kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm là vấn đề nổi cộm tại cuộc họp về công tác quản lý chất lượng vật nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 6/2.
Hiện mới chỉ có các địa bàn từ Thừa Thiên Huế trở vào tới Thành phố Hồ Chí Minh triển khai khá tốt việc kiểm soát giết mổ, còn tại các tỉnh phía Bắc, nhất là thành phố Hà Nội, vấn đề này vẫn còn rất nhức nhối. Theo ông Phạm Văn Đông, Cục phó Cục Thú y: điều nghịch lý là ở Hà Nội có nhiều cơ sở giết mổ lớn, thỏa mãn các điều kiện về an toàn vệ sinh nhưng lại không hoạt động hiệu quả, trong khi nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, các địa điểm tiêu thụ sản phẩm lại tràn lan và rất khó kiểm soát.
Theo thống kê kiểm tra của Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tại 21/63 tỉnh, thành: trong số 1.523 cơ sở giết mổ có tới 40% cơ sở xếp loại B và 55% xếp loại C.
Kiểm tra sản phẩm thịt lợn tại một điểm giết mổ ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhận định: Dù các đơn vị đã tiến hành khá tốt việc kiểm tra, đánh giá phân loại đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; kinh doanh thuốc thú y; thức ăn chăn nuôi, chế biến rau quả…, tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng là tạo sự chuyển biến cụ thể trên thực tế còn chưa rõ nét. Vì vậy, năm 2012 các đơn vị phải tập trung vào kiểm soát theo chuỗi đúng với Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, tìm ra khâu xung yếu để xử lý quyết liệt đối với vấn đề này.
“Không đơn giản chỉ là kiểm tra, phát hiện các cơ sở vi phạm rồi xếp loại A, B, C. Đó chỉ là 1/3 con đường, cái chính là xử lý thế nào để các cơ sở vi phạm giảm xuống rõ rệt”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, để dẹp triệt để các cơ sở giết mổ vi phạm và buôn bán tự phát thì phải tìm ra lối thoát cho các cơ sở này. Do vậy cần có chính sách hỗ trợ hợp lý mới mong giảm tỷ lệ các cơ sở loại C xuống được. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị áp dụng chế độ kiểm soát gia tăng với các cơ sở loại B, C chứ không áp dụng đồng loạt, phải làm có trọng tâm, trọng điểm. Hà Nội cần phối hợp với các tỉnh lân cận trong việc thực hiện cam kết cung cấp thực phẩm sạch vào thành phố.
Bên cạnh việc kiểm soát, xử lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, Bộ Nông nghiệp cũng yêu cầu các đơn vị chuyên ngành tăng cường kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản; cơ sở chế biến rau, quả; sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… Trong tháng 2, các đơn vị thuộc Bộ tập trung rà soát, phân cấp nhiệm vụ rõ hơn để các địa phương thực hiện là chính; đẩy nhanh tiến độ các đề án liên quan tới Chiến lược quốc gia an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2010 – 2020.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với các đơn vị tiếp tục triển khai các chương trình giám sát thủy sản, phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội thí điểm kiểm soát rau theo chuỗi tại Hà Nội; đồng thời xây dựng chương trình giám sát vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…
Hoàng Tùng