Ngay từ cuối năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt nguồn kinh phí bảo trì đường bộ năm 2024 với 12.063 tỷ đồng để bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất. Kể từ đầu năm nay đến ngày 15/6, Cục Đường bộ Việt Nam đã đầu tư xử lý 11 "điểm đen" tai nạn giao thông với tổng kinh phí 40,87 tỷ đồng, 7 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông với tổng kinh phí 31,1 tỷ đồng và 62 điểm nguy cơ mất an toàn giao thông với tổng kinh phí 221,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý các bất cập trong tổ chức giao thông nhằm tạo thuận lợi, an toàn cho người tham gia giao thông.
Trên lĩnh vực đường sắt, hiện nay có 4.772 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt, trong đó, đường ngang có 1.510 vị trí (chiếm 32% tổng số giao cắt) và lối đi tự mở với 3.262 vị trí (chiếm tỉ lệ 68% tổng số giao cắt). Đối với đường ngang, có 38 điểm có quy mô giao cắt lớn giữa đường bộ và đường sắt đã được kết nối duy trì tín hiệu đường bộ - đường sắt; 20 điểm đã kết nối tín hiệu đường sắt nhưng đường bộ chưa kết nối. Cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải các địa phương đã sửa chữa, bổ sung lắp đặt nhiều biển báo hiệu đường bộ tại các đường ngang; xây dựng gồ, gờ giảm tốc tại 746 vị trí giao cắt đường bộ - đường sắt, đạt 48%.
Đối với lối đi tự mở, 6 tháng đầu năm đã giảm, xóa bỏ 66 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm, lũy kế 4 năm giảm, xóa bỏ 838 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm so với thời điểm 15/12/2020 (đạt 21,7%).
Ngành đường sắt đã rào thu hẹp 1.326 lối đi tự mở (đạt 74,87%); cắm biển cảnh báo “chú ý tàu hỏa” 2.943 lối (đạt 90,22%); tổ chức cảnh giới an toàn giao thông tại 342 vị trí nguy hiểm (đạt 65,9%); lắp đặt điện thoại báo giờ tàu, cung cấp trang bị cờ, đèn, còi cho 109 điểm chốt gác, cảnh giới của địa phương; cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới tại các lối đi tự mở công cộng có chiều rộng từ 3m trở lên tại 181 vị trí (đạt 24,1%). Cùng với đó, đã thực hiện lập hồ sơ chi tiết các lối đi tự mở, bàn giao cho các địa phương cùng quản lý và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông theo quy định; rà soát các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao, đề xuất cấp thẩm quyền nâng cấp, cải tạo hoặc đề nghị địa phương cảnh giới an toàn giao thông.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, trên các tuyến đường sắt hiện còn tồn tại 4 điểm đen (giảm 1 điểm so với thời điểm cuối năm 2023), 1010 điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt (giảm 77 điểm so với cuối năm 2023).
Các lĩnh vực đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không tiếp tục thực hiện duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng bảo đảm khai thác ổn định, an toàn. Để bảo đảm an toàn giao thông hàng hải, các đơn vị chức năng đang triển khai 5 dự án đóng tàu phục vụ công tác tiếp tế, kiểm tra và tìm kiếm cứu nạn; 5 dự án xây dựng đài vệ tinh, đèn biển, đài thông tin, hệ thống quản lý, điều hành. Bộ Giao thông vận tải cũng đã phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không năm 2024, với tổng kinh phí 447 tỷ đồng.