Bàn về hiện tượng một bộ phận thanh thiếu niên có biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình (Viện Nghiên cứu sư phạm - nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục học (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng: “Cả ở cấp độ môi trường tác động lẫn cấp độ cá nhân, cần sử dụng chiến lược phòng ngừa, xây môi trường sống lành mạnh để hạn chế những tác động tiêu cực lên lớp trẻ...”.
Thời gian gần đây, một bộ phận thanh thiếu niên Việt Nam có những biểu hiện lệch chuẩn văn hóa. Ví dụ: sử dụng bạo lực học đường, quay clip đánh bạn, sử dụng ngôn ngữ thiếu văn hóa, nói tục, chửi thề, đặt một số câu vè lan truyền trên một số trang mạng xã hội về tội phạm Lê Văn Luyện... Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu giáo dục và phương pháp sư phạm, bà đánh giá thế nào về những biểu hiện trên?
Môi trường sống lành mạnh sẽ góp phần hạn chế những tác động tiêu cực đối với lớp trẻ. |
Trước hết cần nhận dạng những thiếu hụt trong nhân cách của những người có biểu hiện lệch lạc. Đó là thiếu hệ giá trị lành mạnh hướng đến hạnh phúc cá nhân, phát triển cộng đồng, xã hội để định hướng thái độ và hành vi thiện chí, tích cực; thiếu khả năng kiểm soát bản thân, thiếu kỹ năng sống để lựa chọn những hành vi tích cực trong cuộc sống thay cho những hành vi tiêu cực; sự hạn chế trí tuệ cảm xúc dẫn đến những thái độ hành vi phi nhân tính. Và thiếu khả năng nhận dạng đúng vấn đề, thiếu tư duy phản biện, đa chiều đối với hiện tượng xảy ra trong đời sống xã hội hàng ngày, thiếu chính kiến nên làm theo, a dua, cổ súy cho những hiện tượng bất bình thường.
Có những biểu hiện này là do những tác động của môi trường giáo dục, gia đình và xã hội lên một bộ phận thanh thiếu niên. Trong đó, phải thừa nhận rằng cách giáo dục ở đâu đó còn hời hợt, chưa đạt đến mức độ hình thành thái độ, hành vi tích cực hoặc làm thay đổi thái độ, hành vi tiêu cực. Bên cạnh đó, gia đình là nơi có ưu thế mạnh trong việc giáo dục giá trị, xúc cảm, tình cảm cho con nhưng có thể cha mẹ chưa biết cách nuôi dưỡng và phát triển... Đồng thời, trong xã hội lại đang tồn tại và xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng đến việc giáo dục của nhà trường và gia đình...
Như vậy, cần các nhóm giải pháp nào để tạo tác động tích cực tới việc hình thành nhân cách thanh thiến niên, thưa PGS?
Giáo dục nhà trường cần quan tâm dạy cách học và dạy cách làm người, phát triển nhân cách về mọi mặt cho thanh thiếu niên: có năng lực, có niềm tin sâu sắc vào hệ giá trị xã hội tích cực, giàu cảm xúc, cảm thụ được cái đẹp trong cuộc sống, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng, xã hội...
Muốn vậy, cần đổi mới cách làm giáo dục: tránh áp đặt, một chiều, giáo điều. Phải tổ chức hiệu quả các hoạt động dạy học, giáo dục đa dạng dựa trên việc tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm, bày tỏ suy nghĩ đa dạng, khích lệ tư duy giá trị đích thực trong cuộc sống, để những giá trị này chi phối thái độ, hành vi tích cực của mỗi cá nhân. Đồng thời, cần xây dựng được môi trường nhà trường, lớp học thân thiện nuôi dưỡng cảm xúc, giá trị nhân văn và tạo điều kiện cho từng học sinh phát triển theo khả năng của mình. Đi kèm theo đó phải có một đội ngũ giáo viên giỏi, có trách nhiệm để giúp các em phát triển định hướng.
Đối với từng gia đình, trước hết, các bậc phụ huynh phải có trách nhiệm xây dựng để thực sự là tổ ấm cho con cái phát triển và các bậc phụ huynh phải ý thức sâu sắc trách nhiệm giáo dục con nên người vì tương lai của con, hạnh phúc của gia đình và sự phát triển của xã hội. Muốn vậy, phải hiểu con và biết cách tác động phù hợp đến con trên cơ sở tôn trọng những ý kiến, nhu cầu chính đáng của con, biết chấp nhận những sự khác biệt không ảnh hưởng đến cái chung. Đồng thời, phát hiện kịp thời những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển của con để chia sẻ và chủ động phối hợp với nhà trường để hỗ trợ con tránh được những nguy cơ của sự lệch lạc.
Tiếp đó, người lớn trong xã hội, đặc biệt những người giữ những chức năng quản lý nhà nước phải nêu gương sống lành mạnh và có trách nhiệm. Các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên... cần lôi cuốn, tập hợp được thanh thiếu niên tham gia hoạt động, các sân chơi phù hợp sở thích của các em, qua đó giúp hình thành niềm tin đúng đắn về những giá trị đích thực của cuộc sống.
Thêm nữa, giới truyền thông cũng nên đặt vấn đề và bình luận vấn đề một cách sâu sắc từ nhiều góc độ khác nhau. Một mặt, để tránh giáo điều, áp đặt, tránh cách đưa tin giật gân thỏa mãn sự tò mò hay mang tính giải trí; mặt khác để định hướng cho người xem, nghe cách nhìn nhận và phân tích các vấn đề để trong cuộc sống để có cách ứng xử phù hợp với các hiện tượng.
Theo bà, chúng ta nên làm gì để chủ động “xây để chống”?
Chắc chắn là ở cả cấp độ môi trường tác động, cũng như ở cấp độ cá nhân cần phải sử dụng chiến lược phòng ngừa, “xây” môi trường sống lành mạnh để hạn chế những tác động tiêu cực, phát hiện, nuôi dưỡng, phát triển những yếu tố, mầm mống tích cực trong con người để không tạo cơ hội cho mầm hại nảy sinh thì hiệu quả hơn nhiều.
Nếu không có những biện pháp phòng ngừa để xảy ra những hiện tượng đáng tiếc rồi mới điều chỉnh thì khó khăn hơn rất nhiều. Vấn đề đặt ra ở đây là: khi những hiện tượng đó xuất hiện thì trách nhiệm của chúng ta không chỉ là phê phán, mà quan trọng hơn và khó khăn hơn là phải giúp họ thay đổi niềm tin, hành vi vì chính tương lai của họ và sự phát triển chung của xã hội.
Xin cảm ơn PGS!
Bài và ảnh: Hữu Oanh (thực hiện)