Xây dựng nếp sống thanh lịch thời hiện đại

Người Hà Nội vốn tự hào với truyền thống văn minh, thanh lịch qua câu ca "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Tuy nhiên, truyền thống này ít nhiều bị mai một trong cuộc sống hiện đại.


Nhu cầu bức thiết từ cuộc sống

Chị Nguyễn Thanh Huyền, đang làm nghề tự do tại phường Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đưa con trai vào mổ do gãy chân tại bệnh viện Việt Đức. “Con tôi chữa trị theo diện BHYT nên phải nằm ghép, nhưng bức xúc nhất là thái độ của y tá trẻ. Họ vào nói trống không: “Tiêm” và thái độ khó chịu. Trước thái độ của y tá, tôi đã thẳng thắn góp ý, đã phải đi chữa bệnh đã quá khổ rồi, ít nhất thái độ với người lớn tuổi như tôi cũng phải chuẩn mực”, chị Huyền bức xúc chia sẻ. Những trường hợp như chị Huyền có thể gặp ở khá nhiều cơ sở y tế của Hà Nội.

Tình trạng xả rác sau một sự kiện đông người nơi công cộng.

Cách ứng xử cộng đồng cũng nhiều vấn đề phải bàn, đơn cử như việc đổ rác đúng nơi quy định. Ông Hà Văn Lũng, Phó chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc phường Đội Cấn (Ba Đình) cho biết: Nhiều nam thanh nữ tú đến tham quan di tích Lăng Bác cứ xả rác bừa bãi, dù đã có biển cấm xả rác và thùng rác gần đó. Trong khi nhiều du khách nước ngoài rất ý thức trong vấn đề này. Nhiều khi thấy du khách nước ngoài nhặt rác do người Việt mình xả ra bỏ vào thùng rác, mà thấy xấu hổ”.

Chính từ thực tế này mà thành phố Hà Nội quyết định xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử tại cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư”, nhằm xây dựng các giá trị thanh lịch, văn minh phù hợp với những biến đổi của cuộc sống hôm nay. Trong quá trình xây dựng, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra xã hội học và cho thấy ở nhiều nơi công cộng thường xuất hiện những hành vi ứng xử không phù hợp. Phổ biến nhất là vi phạm lấn chiếm không gian công cộng; viết bậy, bôi bẩn lên các công trình công cộng; gây tiếng ồn, say rượu đánh nhau, gây mất trật tự công cộng; chen lấn xô đẩy khi xếp hàng tham gia các dịch vụ công cộng. “Trước đây, người Hà Nội ứng xử nhã nhặn, thanh lịch, biết nhường nhịn nhưng nay mai một dần, thay vào đó là lối nói xô bồ, tục tĩu, huỵch toẹt, thiếu văn hóa, nhất là ở giới trẻ” bà Nguyễn Thu Hằng, 75 tuổi ở phố Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm chia sẻ.

Theo phân tích bảng hỏi điều tra, bệnh viện là nơi “dẫn đầu” về chỉ số các hành vi ứng xử không phù hợp với trên 90% số người được hỏi cho rằng bác sĩ, y tá, điều dưỡng và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có hành vi ứng xử không phù hợp. Có đến 95% ý kiến cho rằng công chức, viên chức có hành vi ứng xử không phù hợp...

Đẩy mạnh tuyên truyền

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) Hà Nội thừa nhận. nhiều nét văn hoá ứng xử của người Hà Nội đã không còn được giữ như xưa do biến động thành phần dân cư, do thói quen, lối sống; các chế tài, quy định xử phạt còn thiếu; chưa có bộ quy tắc úng xử cho người dân ở nơi công cộng. Xây dựng văn hóa người Hà Nội là một nhu cầu cấp bách, trách nhiệm của mọi ngành, mọi nhà.

Để hình thành dự thảo bộ khung tiêu chí, từ năm 2012, Sở VHTT đã phối hợp Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã khảo sát và xây dựng đề án chia thành sáu nhóm đối tượng gồm: Cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và khu vực cộng cộng. Ở mỗi nhóm đối tượng, bộ quy tắc đề xuất những quy tắc chung và quy tắc cụ thể mà khi tham gia. Đơn cử như người dân nơi công cộng phải chấp hành nội quy, quy định; tôn trọng, thân thiện; văn minh, lịch sự; đoàn kết, chia sẻ; bảo vệ di tích lịch sử, cảnh quan, môi trường; ý thức phê phán những hành vi vi phạm quy định.

Quy tắc ứng xử đối với y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế: Thực hiện các chuẩn mực y đức; kiên nhẫn, cảm thông, tận tình, chu đáo; tôn trọng, đúng mực trong giao tiếp; cung cấp thông tin và chỉ dẫn đầy đủ, cụ thể; không phân biệt đối xử, tận tâm và trách nhiệm với công việc.... “Hệ thống quy tắc ứng xử này cũng giống như hương ước, không đặt vấn đề chế tài, chỉ đưa ra những quy tắc ứng xử chuẩn mực trong giao tiếp. Đúng hơn là những quy tắc ứng xử mang tính định hướng, tuyên truyền nhiều hơn”, ông Nguyễn Khắc Lợi cho biết.

Đại diện đơn vị thực hiện dự án, TS Mai Anh (Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Nội dung của Bộ khung quy tắc đảm bảo tiêu chí ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện; xây dựng các chuẩn mực chung áp dụng cho các nhóm đối tượng, tuân thủ quy định của hiến pháp và pháp luật; đáp ứng các chuẩn mực về mặt giá trị của người Việt Nam; giá trị chuẩn mực chung mà thành phố Hà Nội đang mong muốn là thanh lịch và văn minh”.

Năm 2014 -2015 được chọn là "Năm trật tự và văn minh đô thị" của Hà Nội nên Ban chỉ đạo Chương trình 4 của Thành ủy "Về phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015" đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Dự kiến cuối năm nay, sau khi được UBND thành phố phê duyệt, bộ quy tắc sẽ triển khai thí điểm tại một vài lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm trước khi nhân ra diện rộng.

“Xây dựng lối ứng xử văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong thời điểm Hà Nội đang tiếp thu, giao thoa với nhiều hình thái văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong dòng chảy văn hóa, người Hà Nội đã và đang cố gắng gạn đục khơi trong, kiên trì thu nạp và dung hòa giữa cũ và mới”, ông Nguyễn Khắc Lợi cho biết.
Xuân Minh - Thu Thủy
Phát động cuộc thi “Viết về nếp sống thanh lịch, văn minh”
Phát động cuộc thi “Viết về nếp sống thanh lịch, văn minh”

Lễ phát động cuộc thi “Viết về nếp sống thanh lịch, văn minh” cho học sinh khối trung học cơ sở thành phố Hà Nội năm 2015 đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam tổ chức sáng 6/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN