Xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân - Bài 1

Ở bất cứ tuyến đường nào, nút giao nào của Thủ đô hiện nay, mọi người đều có thể nhận thấy số lượng xe máy, ô tô tham gia giao thông quá đông. Trong đó, tỷ lệ người ngồi xe máy một mình chiếm phần lớn, còn ô tô thì chiếm dụng quá nhiều lòng đường.

ĐÔ THỊ NGÀY CÀNG  “NGỘT NGẠT”

Đến năm 2020, Hà Nội dự báo sẽ có hơn 1 triệu ô tô và khoảng 7 triệu xe máy, trong khi hạ tầng không theo kịp. Vì vậy, TP Hà Nội đang đề xuất Chính phủ xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân ngay từ bây giờ. Sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cá nhân là nguyên nhân chính làm cho bức tranh giao thông đô thị càng ngày càng “ngột ngạt”.

Mỗi tháng hàng chục nghìn xe đăng ký mới

Ở bất cứ tuyến đường nào, nút giao nào của Thủ đô hiện nay, mọi người đều có thể nhận thấy số lượng xe máy, ô tô tham gia giao thông quá đông. Trong đó, tỷ lệ người ngồi xe máy một mình chiếm phần lớn, còn ô tô thì chiếm dụng quá nhiều lòng đường. Chưa kể khói bụi, xăng xe bốc hơi mà ai cũng cảm nhận được sự “ngột ngạt” mỗi khi ùn tắc, chờ tín hiệu đèn giao thông, thì mọi người đều cho rằng, nếu phương tiện cá nhân tiếp tục gia tăng, hạ tầng không theo kịp, chẳng bao lâu nữa sẽ không còn chỗ để lưu thông.

Tuyến đường Thái Hà thường xuyên ùn tắc bởi phương tiện ken đặc trên vỉa hè, dưới lòng đường. Ảnh: Tiến Hiếu

Hai thập niên trước đây với xe máy và một thập niên trước đây với ô tô, là những tài sản có giá trị lớn hơn là một phương tiện giao thông trong mỗi gia đình. Nhưng xe máy hiện nay đã trở thành phương tiện thông dụng của cả xã hội, mỗi gia đình hiện đều có từ 1 - 2, thậm chí có 3 - 4 chiếc. Khi cuộc sống khá giả lên, nhiều gia đình dễ dàng sở hữu ô tô... vì vậy càng làm gia tăng nhanh chóng các phương tiện cá nhân.

Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, đến thời điểm này, Hà Nội có khoảng 3,7 triệu xe máy và gần 380.000 xe ô tô (chưa kể khoảng 50.000 xe ô tô của các lực lượng vũ trang, xe ô tô ngoại tỉnh), tăng trung bình mỗi năm từ 10 - 15%. Bình quân mỗi tháng, Hà Nội đăng ký mới từ 18.000 - 22.000 xe máy và khoảng 6.000 - 8.000 ô tô.

Bức tranh giao thông sẽ càng “ngột ngạt” nghiêm trọng hơn khi đến năm 2018, nhiều dòng thuế liên quan đến xe máy, ô tô được miễn giảm, sẽ tiếp tục làm gia tăng các phương tiện đăng ký mới. Dự kiến đến năm 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô và khoảng 7 triệu xe máy.

Áp lực lên hạ tầng

Năm 2005, khi đường Phạm Hùng mới hoàn thành, với chiều rộng 20 m (3 làn xe) mỗi chiều, tuyến đường này được mệnh danh là “đường sân bay” ở khu vực cửa ngõ phía tây. Nhưng sau 10 năm sử dụng, tuyến đường này trở nên chật hẹp, quá tải. Hàng ngày, để đi qua con đường dài hơn 5 km này, nhiều người dân phải mất hàng giờ. Thậm chí, đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến chung cư Keangnam vào giờ tan tầm, ô tô dàn 5 hàng ngang kéo dài, xe máy phải chen chúc ken đặc, leo lên cả vỉa hè.

TP Hà Nội đã đề ra 10 nhiệm vụ cải thiện tình hình giao thông Thủ đô trong thời gian tới, trong đó tập trung vào hoàn thành các tuyến vành đai 1, 2, 3 và xây dựng đoạn qua Hà Nội của đường vành đai 4, cùng các cầu qua sông Hồng, sông Đuống nhằm giải quyết nhu cầu giao thông liên tỉnh, giao thông đối ngoại; hoàn thành cải tạo, mở rộng các quốc lộ hướng tâm theo quy hoạch như QL1A, QL6, QL3; tiếp tục xây dựng một số nút giao thông khác mức trong nội đô để khắc phục tình trạng ùn tắc...

Đường Lê Văn Lương - Tố Hữu mới được thông xe năm 2010, nhưng hiện cũng trở nên quá tải với lượng phương tiện đi lại, mặc dù tuyến đường này có chiều rộng 30 m. Ngày nào tuyến đường này cũng xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Hàng ngàn ô tô, xe máy xuôi ngược như “ong vỡ tổ”, khiến giao thông ùn tắc trên tuyến đường này kéo dài từ Hà Đông đến cầu vượt Láng Hạ, kéo theo nhiều làn phương tiện đứng bất động trên nhiều trục đường liên đới như: Nguyễn Trãi, Cầu Giấy - Xuân Thủy, Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai, Trường Chinh, Khâm Thiên, Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Quán Thánh...

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết: Lượng phương tiện cá nhân đang vượt quá thiết kế của mặt đường. Cùng với đó, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt, vi phạm tràn lan, mặc dù lực lượng CSGT căng sức giải quyết, nhưng hàng ngày giao thông trên nhiều tuyến phố vẫn phức tạp.

Hàng loạt các giải pháp như: Xây cầu vượt tại các nút giao trọng điểm, phân luồng giao thông, giải phóng mặt bằng mở rộng nhiều tuyến phố... được thành phố thực hiện từ năm 2008 đến nay mặc dù đã giúp giao thông nội đô “dễ thở” hơn, nhưng Hà Nội hiện vẫn còn khoảng 60 điểm thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng hoặc giải quyết xong điểm này lại phát sinh điểm mới khác. Các nút giao Xã Đàn - Nguyễn Lương Bằng - Ô Chợ Dừa, Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch, Láng Hạ - Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Thanh Xuân... ùn tắc, kẹt cứng vào giờ tan tầm đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” với người dân.

Bài 2: Sẽ “vỡ trận” giao thông trong vài năm tới
Bài và ảnh: Tiến Hiếu
Tập trung giảm ùn tắc giao thông
Tập trung giảm ùn tắc giao thông

Tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội còn diễn biến phức tạp, nhất là trong khu vực nội đô từ đường Vành đai 3 trở vào trung tâm và trên một số tuyến đường trục hướng tâm, đường vành đai. Hà Nội tập trung các giải pháp trước mắt nhằm giảm ùn tắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN