Đặc biệt, trước những yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn xác định vấn đề chăm sóc thể lực con người Việt Nam càng cần được quan tâm hơn nữa.
Nhiều thách thức mới về sức khỏe của người dân
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân nhưng cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mới về sức khỏe của người dân trong quá trình phát triển.
Đó là mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu... đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh mãn tính về đường hô hấp. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc. Các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Hiện nước ta có khoảng 12 triệu người mắc tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, trên 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản và mỗi năm có khoảng 125.000 ca mắc mới ung thư…
Mặc dù người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều. Trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ hai. Tuy nhiên, số năm sống có bệnh tật của người Việt Nam lại cao so với các nước. Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật, vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Từ năm 2012, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già khi số người từ 60 tuổi trở lên chiếm đến 10,2% tổng dân số và dự báo sẽ trở thành nước có dân số rất già năm 2038 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt 20,1%.
Bên cạnh đó, mặc dù nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, từng bước cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ, trẻ em nhưng còn nhiều hạn chế trong phát triển tầm vóc, thể lực của người dân.
Chiều cao của cả nam giới và nữ giới Việt Nam tăng rất ít trong nhiều năm qua và hiện nay đang thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3 cm và hiện đạt 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ.
Hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng
Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về “Những vấn đề cấp bách về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình hiện nay”, Chỉ thị 06/CT-TW năm 2002 về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới... và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng được hoàn thiện. Mạng lưới cơ sở y tế phát triển rộng khắp. Các chỉ số sức khỏe, tuổi thọ bình quân được cải thiện. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, Đảng ta cũng chỉ rõ: Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chất lượng môi trường sống, làm việc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, văn hoá tinh thần... ở nhiều nơi chưa được chú trọng, bảo đảm. Nhiều hành vi, thói quen ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ chưa được khắc phục căn bản…
Nhằm nâng cao thể lực con người Việt Nam, đáp ứng nguồn nhân lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tại Nghị quyết 20-NQ/TW ( khóa XII) “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” và Nghị quyết 21-NQ/TW ( khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới, Đảng ta khẳng định, đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.
Để hiện thực hóa Nghị quyết Trung ương 20, 21 về bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 12/9/2018 phê duyệt Chương trình “Sức khỏe Việt Nam”, nhằm xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.
Tại Lễ phát động Chương trình sức khỏe Việt Nam được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự nghiệp bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân không ngừng tiến bộ, đạt nhiều kết quả nhưng còn nhiều bất cập, khó khăn, thách thức mới. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là phải nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe. Tuyên truyền các hành vi, lối sống có lợi cho sức khỏe nhằm tạo ra phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, bền vững, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.
Cùng với làm tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, cần cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân, đặc biệt là tại tuyến cơ sở để mọi người dân được kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật, được tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc, điều trị, quản lý liên tục tại nơi sinh sống, nhất là đối với những người mắc các bệnh mãn tính và người cao tuổi. Mọi người phải được chăm sóc, quản lý sức khỏe ngay từ khi trong bụng mẹ.
Chương trình “Sức khỏe Việt Nam” đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để tập trung thực hiện 28 chỉ tiêu của 11 lĩnh vực sức khỏe ưu tiên gồm: dinh dưỡng hợp lý; vận động thể lực; chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh; phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; phát hiện sớm và quản lý bệnh không lây nhiễm (là nguyên nhân tử vong chủ yếu như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính); chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân; sức khỏe người cao tuổi; sức khỏe người lao động.
“Đây là một chương trình tổng thể được triển khai trên quy mô toàn quốc nhằm huy động, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức xã hội cùng xây dựng môi trường hỗ trợ, huy động sự tham gia của người dân và cộng đồng, thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.