Xã hội hóa y tế góp phần giảm tải cho các bệnh viện

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện đã có cơ sở khang trang, thực hiện tốt giảm tải nhờ mạnh dạn kết hợp nguồn ngân sách với nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị...


Những khởi sắc

Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa đưa vào sử dụng khu điều trị nội trú tại cơ sở 2, Thanh Trì, Hà Nội, với quy mô 300 phòng, trên 700 giường bệnh và nhiều trang thiết bị y tế hiện đại; phục vụ điều trị nội trú cho 15 chuyên khoa, giảm hẳn gánh nặng quá tải cho cơ sở 1 tại Thái Thịnh, Hà Nội.

Nhờ xã hội hóa y tế, nhiều bệnh viện được nâng cấp cả về cơ sở vật chất và chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Suốt một thời gian dài, Bệnh viện Nội tiết cơ sở 1 luôn trong tình trạng quá tải, trung bình mỗi ngày có tới 1.600 - 1.700 lượt người đến khám và điều trị, bệnh nhân luôn phải nằm ghép 2 - 3 người/giường... Từ khi có thêm khu nhà điều trị nội trú tại cơ sở 2, bệnh viện đã thực hiện được cam kết không để bệnh nhân phải nằm ghép. PGS. TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: Công trình này có tổng mức đầu tư 497 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn ngân sách 70% là nguồn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Tương tự, từ tháng 2/2015, bệnh viện Việt Đức đã đưa vào sử dụng Khu điều trị kỹ thuật cao từ nguồn vốn vay ngân hàng, với diện tích 2.400 m2, cao 13 tầng; giúp cho bệnh viện có thêm được hơn 300 giường bệnh, 25 phòng mổ hiện đại... giải quyết được tình trạng bệnh nhân phải chờ mổ, nằm ghép, giảm thiểu tình trạng bệnh nhân phải ra nước ngoài chữa bệnh.

Dự án Khu điều trị kỹ thuật cao này có tổng mức đầu tư 394 tỷ đồng, trong đó có 30% vốn ngân sách, còn bệnh viện vay hơn 240 tỷ đồng (61%) từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, với mức lãi suất 9,6%/năm.

“Trước đây, Bệnh viện Việt Đức chỉ có 900 giường bệnh, không đủ đáp ứng nhu cầu hàng nghìn người tới khám chữa bệnh/ngày, dẫn đến tình trạng quá tải, bệnh nhân phải chờ mổ lâu, nằm ghép, ra viện sớm... Nhu cầu mở rộng và nâng cấp bệnh viện là rất cấp thiết, nhưng không có vốn để xây dựng thêm vì ngân sách phải để dùng mua sắm trang thiết bị hằng năm đã lên tới 10 - 20 tỷ đồng, quỹ phát triển sự nghiệp trích hàng năm cũng rất hạn chế, vì vậy chúng tôi đã quyết định huy động nguồn vốn xã hội hóa đã mở rộng quy mô bệnh viện”, bà Nguyễn Thị Bích Hường, PGĐ Bệnh viện Việt Đức cho biết.

Thực hiện Nghị quyết 93/NQ - CP của Chính phủ về khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh vay vốn để đầu tư xây dựng, thành lập mới cơ sở khám chữa bệnh trong khuôn viên đất hiện có và được quyết định tổ chức bộ máy, phương thức quản lý phù hợp; với sự hỗ trợ của Bộ Y tế trong việc tìm nguồn vốn vay, đơn giản hóa thủ tục phê duyệt; nhiều bệnh viện đã có cơ hội nâng cấp cơ sở hạ tầng và giảm quá tải hiệu quả, nâng cao một bước chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Cụ thể, tính đến nay, tại Hà Nội có 13/41 bệnh viện công lập và 6 trung tâm y tế đã tham gia xã hội hóa; xây dựng và thực hiện 48 đề án liên doanh, liên kết góp vốn để mua sắm trang thiết bị, hoặc cho đối tác đầu tư lắp đặt trang thiết bị phục vụ hoạt động khám chữa bệnh, với số tiền là 236,61 tỷ đồng.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ

Tuy có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư cho bệnh viện, nhưng việc tự chịu trách nhiệm về trả gốc và lãi vay cũng khiến các bệnh viện phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thực hiện xã hội hóa.

Theo ông Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương: Hiện tại, bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thu - chi để bố trí nguồn trả nợ, bởi lãi suất ngân hàng vẫn khá cao.

Đồng quan điểm này, ông Bùi Đức Phú, GĐ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế cho biết: “Lãi vay tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam hiện nay còn cao, có khoản chúng tôi phải vay với lãi suất lên tới 10,8 - 12%/năm, thời hạn trả gốc chỉ có 12 năm. Do vậy cần có sự điều chỉnh lãi suất cho vay, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp mới khuyến khích các cơ sở y tế công mạnh dạn vay vốn xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong thời gian tới”.

Về vấn đề này, theo đại diện Bộ Y tế, thời gian tới khi thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, sẽ tăng thêm nguồn thu cho các bệnh viện, góp phần giúp các bệnh viện có tích lũy để trang trải các khoản nợ.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Để hướng đến mục tiêu đến năm 2020 phải có thêm 9.000 giường bệnh, các bệnh viện phải đẩy mạnh thu hút vốn từ các nguồn xã hội hóa để nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Ngành y tế cũng kêu gọi các nhà đầu tư, khuyến khích mô hình xã hội hóa để tạo thêm nguồn đầu tư cho phát triển y tế, có thể triển khai các mô hình liên doanh bệnh viện công và tư nhân, vay vốn mua sắm trang thiết bị... Ngoài Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bộ Y tế cũng vừa ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển hạ tầng và trang thiết bị y tế với ngân hàng Viettinbank gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng, thời gian cho vay dài lên tới 20 năm, tạo cơ hội cho các bệnh viện công tiếp cận nguồn vốn mới.
PV
Tăng cường quản lý thiết bị xã hội hóa
Tăng cường quản lý thiết bị xã hội hóa

Xã hội hóa y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tuy nhiên, bên cạnh những thành công, hình thức liên kết này cũng tồn tại nhiều bất cập, nhất là tình trạng nhiều bệnh viện lạm dụng trang, thiết bị y tế từ nguồn vốn xã hội hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN