Vườn Quốc gia Xuân Sơn được người dân chăm sóc, bảo vệ 

Mô hình giao khoán cho nhân dân các xã có rừng chăm sóc và bảo vệ được tỉnh Phú Thọ triển khai tại vườn Quốc gia Xuân Sơn. Thành công của mô hình này không chỉ giúp diện tích che phủ của rừng ngày càng tăng lên, ý thức của người dân trong chăm sóc và bảo vệ rừng được nâng cao mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, tăng thêm thu nhập cho người dân. 

Chú thích ảnh
Cán bộ vườn Quốc gia Xuân Sơn cùng người dân xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, đi kiểm tra thực địa về công tác chăm sóc, bảo vệ rừng. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Hiện nay, Vườn Quốc gia Xuân Sơn giao khoán cho 16 tổ cộng đồng với 1.420 hộ gia đình thực hiện bảo vệ khoảng 9.800 ha rừng tự nhiên. Kinh phí giao khoán trung bình khoảng 650 nghìn đồng/hộ/năm tuy không lớn nhưng người dân luôn tích cực  bảo vệ, chăm sóc rừng. Bà Phùng Thị Lái – người dân xóm Dụ, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn chia sẻ: Từ khi chúng tôi được các cán bộ tập huấn và tuyên truyền về việc bảo vệ rừng và lợi ích, bản thân tôi thấy được lợi ích mà rừng mang lại. Vì thế chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng bảo vệ rừng và tuyên truyền tới bà con để bảo vệ rừng tốt hơn.

Vườn Quốc gia Xuân Sơn được UBND tỉnh Phú Thọ giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản trên diện tích 15.048 ha, thuộc địa bàn 6 xã của huyện Tân Sơn với tổng số 29 thôn thuộc vùng đệm. Diện tích rừng rộng lớn, lại là vườn Quốc gia duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi (rộng 2.432 ha), Vườn Quốc gia Xuân Sơn được đánh giá là rừng có đa dạng sinh thái phong phú và đa dạng sinh học cao.

Ông Nguyễn Hải Nam – Trưởng khu dân cư xóm Dụ cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, nhận thức được vai trò to lớn của rừng tới cuộc sống của con người, tôi luôn tuyên truyền, động viên  nhân dân cần kết hợp chặt chẽ với các cán bộ kiểm lâm, thường xuyên tuần tra rừng để kịp thời phát hiện và ngăn chặn nạn phá rừng.

Với phương châm không buông lỏng hoặc khoán trắng cho cộng đồng, hộ gia đình tham gia hợp đồng quản lý rừng, Ban Quản lý rừng đã luôn chủ động phối hợp chặt chẽ và giám sát người dân trong việc thực hiện nên công tác quản lý, bảo vệ rừng của các hộ dân luôn đảm bảo yêu cầu đặt ra. Chất lượng rừng không ngừng được gia tăng, độ che phủ của rừng được nâng cao (đạt 87%), tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng không còn xảy ra, hạn chế đáng kể tình trạng người dân khai thác lâm sản trái phép; đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Xuân Sơn được bảo vệ và ngày càng phát triển. Ông Nguyễn Phong Tuyến – Trưởng phòng Quản lý rừng thuộc vườn Quốc gia Xuân Sơn khẳng định: Qua thời gian thực hiện tuyên truyền, mở các lớp tập huấn cho nhân dân, đến nay ý thức của người dân đã được nâng cao, từ đó hạn chế sự tàn phá của “lâm tặc” và cả việc người dân phá rừng làm nương rẫy tại các vùng đệm, từ đó việc bảo tồn thiên nhiên ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn luôn được đảm bảo. 

Để đảm bảo tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan ban ngành huyện Tân Sơn tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tăng cường các lớp tập huấn cho người dân về việc phòng cháy chữa cháy rừng. Ông Trần Đăng Hùng – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn cho biết: Ban quản lý xây dựng kế hoạch tuyên truyền hợp lý đến nhân dân quanh khu vực vườn và khách du lịch; triển khai nhiều giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng đến đông đảo người dân trên địa bàn các xã có rừng để bà con hiểu thêm về các quy định trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng và cùng chung tay bảo vệ môi trường. 

Bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân, Vườn Quốc gia Xuân Sơn còn phối hợp với các trường Trung học cơ sở của các xã có rừng tổ chức lớp học về giáo dục môi trường, vì tương lai xanh với chủ đề “Xanh rừng quê em”.  

Việc gắn rừng với lợi ích của cộng đồng, mỗi người dân sống trong vùng đệm, vùng lõi của Vườn Quốc gia Xuân Sơn góp phần giúp công tác bảo vệ rừng được tốt hơn. Những cánh rừng trong tầm quản lý của bà con đã được gìn giữ nguyên vẹn. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự nhanh nhạy của cơ quan chức năng cùng những chính sách hợp lý, người dân không chỉ tích cực bảo vệ rừng mà còn có thêm thu nhập, việc làm; đồng thời cũng giúp cho cơ quan quản lý trực tiếp giảm được phần lớn công việc, bù đắp nguồn nhân lực thiếu hụt, đem lại hiệu quả cao.

Kiên Trung (TTXVN)
Huyện Than Uyên (Lai Châu) giao rừng đến tận hộ dân để bảo vệ rừng
Huyện Than Uyên (Lai Châu) giao rừng đến tận hộ dân để bảo vệ rừng

Thời gian qua, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện Than Uyên (Lai Châu) đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc khoanh nuôi, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN