Vùng đồng bào Khmer Sóc Trăng đang đổi thay từng ngày

Tỉnh Sóc Trăng hiện có trên 399.500 người Khmer, chiếm 30,71% dân số của tỉnh, đa số người Khmer sống tập trung ở các vùng nông thôn. Sóc Trăng cũng là địa phương có đông đồng bào Khmer nhất cả nước.

Với chính sách đầu tư, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước, trong những năm gần đây, đồng bào Khmer Sóc Trăng đã được ưu tiên nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thoát nghèo, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội kết hợp với đẩy mạnh hỗ trợ vốn để nông dân có nguồn lực đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chăm lo an sinh xã hội, nhằm từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc. Nhờ vậy, đời sống đồng bào Khmer Sóc Trăng đã không ngừng phát triển, kinh tế gia đình vươn lên, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Khmer đang thay đổi nhanh chóng từng ngày.

Những cung đường nông thôn mới ở vùng đồng bào Khmer Sóc Trăng.


Nhìn lại, nếu như khi mới tách tỉnh Sóc Trăng từ Hậu Giang (cũ) năm 1994, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là trên 60%, trong đó, tỷ lệ này trong đồng bào Khmer là chiếm tới 75%, thì đến năm 2001, tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng đã giảm còn một nửa, và sau 2 lần điều chỉnh tiêu chí chuẩn nghèo vào năm 2005 và 2010 thì năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào Khmer còn trên 34% trong khi tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 22,3%. Khi mới tách tỉnh, tình hình sản xuất và đời sống của bà con vùng dân tộc còn gặp rất nhiều khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo cao, một bộ phận khá đông đồng bào Khmer còn ở nhà tạm bợ, nhiều hộ không có đất, thiếu phương tiện sản xuất. Với các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, thực hiện QĐ 99 về huy động phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; Chương trình 134, 135 của Chính phủ, Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ, Sóc Trăng được đầu tư mạnh cho vùng đồng bào dân tộc Khmer với tổng kinh phí hàng ngàn tỷ đồng, riêng mỗi xã có đông đồng bào Khmer được đầu tư trung bình mỗi năm từ 800 triệu đến trên 1 tỷ đồng (cả tỉnh trung bình mỗi năm trên 200 tỷ đồng) cho việc phát triển điện, đường, trường, trạm, hạ tầng cơ sở.

Nhiều người cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào Khmer Sóc Trăng hiện vẫn chưa phản ánh đúng thực tế. Nếu so sánh về con số cho thấy tỷ lệ nghèo là khá cao, nhưng so với nhiều địa phương khác có tỷ lệ hộ nghèo thấp thì bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Khmer Sóc Trăng không thua gì. Hầu hết các con đường trung tâm xã, ấp vùng đồng bào Khmer đã được nhựa hóa, bê tông hóa, trường học khang trang 2, 3 tầng, đạt chuẩn quốc gia đang mọc lên ngày càng nhiều, nhiều ngôi nhà mới, biệt thự mọc lên theo những con đường mới mở, giữa vùng nuôi tôm hoặc cánh đồng cao sản tạo nên diện mạo vùng quê không thua gì phố thị.

Tỷ lệ người dân Khmer sử dụng điện ở Sóc Trăng hiện trên 80%, tỉnh đang có chương trình đầu tư lưới điện cho vùng đồng bào Khmer, sau khi hoàn thành sẽ nâng lên đạt tỷ lệ trên 87% hộ Khmer có điện sử dụng vào cuối năm nay. Tỷ lệ đồng bào dân tộc sử dụng nước sạch hợp vệ sinh cũng đạt trên 90%. Riêng trong năm 2011, thực hiện Quyết định 74 của Chính phủ, Sóc Trăng đã giải ngân trên 46 tỷ đồng để hỗ trợ đất ở cho 416 hộ Khmer; hỗ trợ đất sản xuất cho 597 hộ nghèo thiếu đất sản xuất và đào tạo nghề cho 2.351 lao động, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, mua sắm công cụ cho trên 10.000 hộ. Thực hiện Quyết định 167, tỉnh cũng đã triển khai xây dựng được gần 3.000 căn nhà cho đồng bào dân tộc, hộ nghèo. Bên cạnh đó Quyết định 112, Nghị định 49 của Thủ tướng Chính phủ về miễn, giảm học phí và trợ cấp tiền cho học sinh nghèo cũng đã góp phần đưa con em đồng bào dân tộc gần với ánh sáng văn hóa, nâng cao trình độ dân trí, nhận thức. Ngoài ra các chính sách về trợ giá, trợ cước cũng đã giúp cho bà con dân tộc nghèo bớt những khó khăn, từng bước ổn định đời sống...

Toàn tỉnh Sóc Trăng có 85/109 xã, phường, thị trấn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, 5 năm trước, trong số này có tới 54 xã, phường, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn được Nhà nước hỗ trợ theo Chương trình 135, nhưng hiện nay, nhiều xã, phường, thị trấn đã thoát được nghèo, có xã tự xin rút khỏi hộ nghèo, và đến nay, tỉnh chỉ còn 39 xã, phường, thị trấn trong diện còn hỗ trợ một phần theo Chương trình 135 của Chính phủ với 98 ấp đặc biệt khó khăn.

Theo ông Dương Sà Kha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng: Qua triển khai thực hiện các chủ trương về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; Chương trình 135, 134; chính sách trợ cước trợ giá của Chính phủ... trong 5 năm qua, tỉnh đã triển khai xây dựng được trên 750 công trình giao thông thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường trạm... xây dựng mới 65 mô hình sản xuất; hỗ trợ xây dựng trên 33.000 căn nhà Chương trình 134; trên 13.000 căn nhà tình thương cho hộ Khmer nghèo và 25.338 căn nhà cho hộ nghèo theo QĐ 167 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí trên 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai thực hiện tốt việc cho vay vốn phát triển sản xuất với số tiền hàng ngàn tỷ đồng và các chính sách an sinh xã hội khác.

Nói về sự đầu tư, chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng trong những năm tới, ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: Trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến năm 2015, tỉnh rất quan tâm đến công tác phát triển ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả cho bà con thực hiện tăng thu nhập, tuyên truyền cho đồng bào Khmer cùng chung tay ra sức xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư... Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng sẽ tập trung mạnh vào công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có đồng bào Khmer, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn nhiều ngành nghề khác để lao động có thu nhập cao hơn...

Với chính sách quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Khmer ở Sóc Trăng mà đời sống người dân Khmer đã có sự tiến bộ, nhiều hộ biết áp dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tính toán làm ăn có hiệu quả, trình độ dân trí được nâng cao. Có được chính sách quan tâm, đãi ngộ tốt, đồng bào Khmer Sóc Trăng luôn phấn khởi, tin tưởng và có tinh thần đoàn kết với cộng đồng, cùng chung tay, ra sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày một phát triển.

Bài và ảnh: Trung Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN