Nỗi đau cho người thân
Ngồi bên bờ sông Chảy ngóng trông tin về hai con, Cư Dứa - người phụ nữ dân tộc Mông, thôn Cốc Rế, nghẹn ngào trong nước mắt. Gia đình khó khăn nên vợ chồng chị phải xuống tận tỉnh Bắc Giang đi làm công nhân. "Khi nhận được tin dữ hai cháu gặp nạn, phải hôm sau chúng em mới về được đến nhà", người phụ nữ Mông nức nở nói.
Hai người con của Cư Dứa, một cháu sinh năm 2018, một sinh năm 2021. Dứa cho biết, đến cuối năm nay một cháu sẽ sinh nhật tròn 2 tuổi và một cháu sinh nhật tròn 5 tuổi. Trước hôm các con bị nạn, Dứa vẫn gọi điện về nói chuyện và hứa đến sinh nhật, mẹ về có lương đi làm công nhân sẽ mua bánh kem sinh nhật theo nguyện vọng của các con.
Chiếc bánh kem sinh nhật đối với những đứa trẻ vùng cao ở một địa phương nghèo như Cốc Rế là một ước mơ không phải lúc nào cũng thực hiện được. "Vậy mà giờ em không còn cơ hội thực hiện ước muốn của các con em nữa, em thương các cháu quá…", Cư Dứa trào nước mắt.
Anh Ly Seo Dìn, 22 tuổi ở thôn Cốc Rế, xã Bản Mế có con và mẹ ruột bị nạn, vẫn chưa hết bàng hoàng. Dìn kể lại, Dìn đang đi công an nghĩa vụ tại Công an tỉnh Lào Cai và vợ thì đi làm tận Hải Phòng. Ở nhà chỉ có bà, cháu trông nhau.
"Hôm đó, con lớn ngủ trong nhà, còn bà địu đứa bé để đưa bà bác cùng hai đứa cháu sang bên nhà thông gia chơi ở Na Lốc. Thuyền bị lật. Mẹ em chưa bao giờ chở khách qua sông. Cái thuyền đó, bình thường chỉ có em và bố em đi, không hiểu sao hôm đó bà lại xuống lái thuyền", Ly Seo Dìn đau khổ nói.
Ngồi thất thần ở một góc, vợ của Ly Seo Dìn ôm khư khư đứa con lớn như để nó không vuột khỏi tay, không để xảy ra sự mất mát nào nữa. "Em mới đi làm xa được mấy tháng thôi. Hôm qua, em đang đi làm thì người nhà gọi điện báo tin con mất. 8 giờ tối em về đến nơi, chỉ kịp nhìn mặt lần cuối", vợ Dìn nói, đôi mắt chị trống rỗng.
Sau khi tìm thấy xác của đứa bé, gia đình Ly Seo Dìn làm đám tang cho cháu ngay ngoài sân, bởi phong tục của người Mông không được cho vào nhà, không được giữ lại gì của con, chôn cất xong cũng không được lên thăm mộ nữa.
Cũng theo Dìn, chờ tìm được xác của mẹ, chôn cất xong thì làm ma khô cho cả bà lẫn cháu. Theo phong tục của người Mông, sau khi chôn cất 12 ngày sẽ làm ma khô để linh hồn người đã khuất được siêu thoát, về với tổ tiên và phù hộ cho gia đình.
Lãnh đạo huyện Si Ma Cai cho biết, thôn Cốc Rế hiện có khoảng 100 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Do điều kiện địa hình khó sản xuất nông nghiệp nên phần lớn các hộ trong thôn đều hết sức khó khăn và lao động chính của các gia đình trong độ tuổi đều đi làm ăn xa.
Tiếng chuông về an toàn giao thông đường thủy vùng cao
Khu vực đoạn sông Chảy qua thôn Cố Rế, xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, nơi xảy ra vụ tai nạn lật thuyền thương tâm nói trên, lòng sông không lớn. Nếu đi xuồng máy mất khoảng 10 phút có thể qua sông nên nhiều người đã bất ngờ khi vụ tai nạn xảy ra. Đây cũng là một hồi chuông cảnh báo đối với những địa phương vùng cao khi nhận thức của bà con về an toàn giao thông đường thủy còn hạn chế.
Có mặt tại hiện trường vụ lật thuyền, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh đã chỉ đạo, yêu cầu các lực lượng cứu hộ nỗ lực hết sức để tìm kiếm nạn nhân. Đồng thời, ông đến động viên, an ủi, chia sẻ mất mát đối với những gia đình có người bị nạn; đề nghị cấp ủy, chính quyền và các ngành của huyện Si Ma Cai, xã Bản Mế cần quan tâm, hỗ trợ các gia đình nạn nhân để họ phần nào vơi đi những đau thương mất mát, ổn định cuộc sống.
Được biết, liên tiếp trong thời gian chưa đầy 1 tuần, tại Lào Cai đã xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng làm thiệt mạng 6 người. Trước khi xảy ra vụ lật thuyền lúc 8 giờ 50 sáng 15/8, một tai nạn khác là học sinh V.Đ.D (sinh năm 2007, trú tổ 16, phường Pom Hán, thành phố Lào Cai) bị nước lũ cuốn trôi cùng xe đạp điện khi đi qua đập tràn làng Dạ, xã Cam Đường (thành phố Lào Cai) vào sáng 12/8. Cả 2 vụ việc trên đều hết sức thương tâm.
Tại khu vực sông Chảy đoạn qua xã Bản Mế, nơi xảy ra vụ lật thuyền không có biển cảnh báo đường thủy. Việc di chuyển trên sông của người dân ở thôn Cốc Dế hoàn toàn tự phát và đã diễn ra từ lâu.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, vì điều kiện sông suối, lòng hồ chưa đủ để công bố tuyến luồng đường thủy. Do vậy, các ngành chức năng cũng đã có khuyến cáo người dân địa phương khi sử dụng các phương tiện để làm ăn, đi lại hết sức lưu ý tránh thời điểm mưa lũ, con nước to, đặc biệt khi lưu thông nên có phương tiện cứu sinh đi cùng để hạn chế rủi ro tai nạn không may xảy ra.
Theo khái niệm tai nạn giao thông đường thủy nội địa được quy định tại Khoản 1, Điều 1, Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi năm 2014, cụ thể như sau: Tai nạn giao thông đường thủy nội địa là tai nạn xảy ra trên đường thủy nội địa, trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa do đâm va hoặc sự cố liên quan đến phương tiện, tàu biển, tàu cá, gây thiệt hại về người, tài sản, cản trở hoạt động giao thông hoặc gây ô nhiễm môi trường. Nhưng vụ tai nạn thương tâm này không nằm trên luồng đường thủy (chưa có luồng vì chưa công bố), không có đâm va hoặc sự cố liên quan đến phương tiện.
Vụ tai nạn cho thấy cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ở những vùng cao như Lào Cai cần cảnh báo, tuyên truyền cho người dân nhiều hơn và thậm chí có những chế tài mạnh mẽ đối với những trường hợp không chấp hành các quy định cần thiết về việc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy.