Vụ sập hầm thủy điện: Chủ đầu tư xin lỗi

“Chúng tôi xin lỗi các công nhân bị nạn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và người dân về sự cố không mong muốn, bất khả kháng vừa xảy ra”, ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Vietrancimex (Công ty mẹ của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Long Hội – chủ đầu tư công trình thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo), nói lời xin lỗi tại cuộc họp đánh giá, rút kinh nghiệm vụ sập hầm thủy điện Đa Dâng-Đa Chomo do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức chiều 22/12.


Quang cảnh cuộc họp rút kinh nghiệm của Tỉnh Lâm Đồng sau vụ việc.


Đây là lần xuất hiện đầu tiên của ông Võ Nhật Thăng sau khi sự cố sập hầm xảy ra, với lý do vừa “có việc đi nước ngoài một tuần”. Ông Thăng cám ơn lực lượng cứu hộ, các cấp chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực giải cứu an toàn 12 công nhân bị nạn trong vụ sập hầm; đồng thời khẳng định sự cố xảy ra là bất khả kháng và các nhà thầu thi công công trình rất có năng lực. Theo ông Thăng, ngoài lý do điều kiện địa chất phức tạp từng khiến tụt đất trước đây, sự cố sập hầm còn xảy ra vào thời điểm sau mùa mưa kéo dài khiến nền đất tại khu vực nhiều nước, bùn, cát gây sụp.


Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị chức năng của tỉnh Lâm Đồng tham gia cứu hộ trong vụ sập hầm cho rằng mặc dù đã huy động tổng lực, phối hợp tốt, việc giải cứu người bị nạn đạt kết quả tốt, sớm hơn dự kiến, nhưng công tác cứu hộ còn khá lúng túng, nhất là trong thời gian đầu triển khai việc cứu hộ.


Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, cho rằng sự cố sập hầm vừa rồi là tai nạn lao động nghiêm trọng nhất trên địa bàn từ trước đến nay; đã gây khó khăn cho tỉnh và các đơn vị của tỉnh tham gia cứu hộ còn thiếu kinh nghiệm. Đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng thừa nhận do lần đầu tiên có sự cố này xảy ra nên khó tránh khỏi lúng túng, công tác chỉ huy thời gian đầu chưa làm tốt, lực lượng quá nhiều đến mức quá tải nhưng còn thiếu kinh nghiệm.


Theo Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, công tác cứu hộ đã thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Tuy nhiên lực lượng tại chỗ còn mỏng và chưa chuyên nghiệp, kể cả khi đã huy động đông nhưng còn hạn chế vì “nhiều nhưng chưa tinh” và nhiều lúc phối hợp chưa ăn ý. Giám đốc Công an tỉnh và đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cùng cho rằng cần rút kinh nghiệm, tính toán để có lực lượng chuyên nghiệp, kịp thời ứng phó với những tình huống tương tự sau này.


Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến đề nghị qua sự việc lần này cần xem xét việc tuân thủ, quy trình trong thi công các công trình, đặc biệt là những công trình thủy điện ở tất cả các khâu phê duyệt dự án, khảo sát, thiết kế, triển khai thi công, để đảm bảo an toàn cho các công trình và người lao động.


Liên Sơn (TTXVN)

11 nạn nhân vụ sập hầm được xuất viện
11 nạn nhân vụ sập hầm được xuất viện

Tình hình sức khỏe của 12 nạn nhân hiện ổn định, trong đó 11 người đã bình phục hoàn toàn, có thể xuất viện ngay trong trưa 22/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN