“Uống nước nhớ nguồn/Làm con phải hiểu/Ai ơi hãy nhớ năm xưa/Những ngày còn thơ/Công ai nuôi dưỡng/Công đức sinh thành/Người ơi đừng quên/Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Người ơi, làm người ở trên đời/Nhớ công người sinh dưỡng/Đó mới là hiện nhân/Vì đâu anh nên người tài ba/Hãy nhớ công sinh thành/Vì ai mà có ta”.
Những lời nhắc nhở trong bài hát “Ơn nghĩa sinh thành” là điều mỗi người phải thuộc “nằm lòng”, để sống cho hiếu đạo, làm tròn bổn phận của người con đối với cha mẹ, báo đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục. Chẳng phải ngẫu nhiên mà mỗi mùa Vu lan về, bài hát ấy lại được ngân nga trong các chương trình ca nhạc mừng lễ Vu lan. Những ca từ ấy mộc mạc, dung dị mà sâu sắc. Công ơn của cha mẹ, một ân nghĩa mà mỗi người con phải ghi lòng tạc dạ.
Hướng về với cội nguồn dân tộc
Từ nghìn xưa đến nay, hiếu hạnh được xem như khuôn vàng, thước ngọc để thẩm định giá trị đạo đức con người. Vu lan là ngày lễ của tình người.
Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lễ Vu lan bắt nguồn từ tích tôn giả Mục Kiền Liên, một trong mười đệ tử lớn của Đức Phật, khi tu thành chính quả đã tìm kiếm bậc sinh thành để báo hiếu. Nhìn xuống cõi âm, thấy mẹ đang mắc kẹt trong cõi ngạ quỷ và bị hành hạ khổ sở, không thể ăn được cơm do mình mang đến, Mục Kiền Liên tới bạch Phật vì sao đã tu thành chánh quả rồi mà linh hồn của mẹ mình vẫn bị đọa trong chốn khổ đau và xin Đức Phật chỉ lối cho linh hồn mẹ được siêu thoát.
Đức Phật nói với tôn giả Mục Kiền Liên rằng bà Thanh Đề - mẹ ngài - khi còn sống đã mắc tội keo kiệt, bủn xỉn. Cha của Mục Kiền Liên mất có để lại di chúc chia gia sản làm 3 phần, 1 phần cho bà Thanh Đề dưỡng lão, một phần lên cúng các chư tăng, một phần cho La Bốc (tên tục của tôn giả Mục Kiền Liên) ăn học. Khi cha mất, La Bốc lấy một phần tài sản ăn học. Lúc trở về bà Thanh Đề nói dối với La Bốc rằng đã mời các chư tăng tới nhà cúng cho cha ông và bố thí cho người nghèo. Thực tế là các tăng ni tới đều bị bà đuổi đi, người nghèo khổ, đói rách tới xin cũng bị bà Thanh Đề đuổi đi, nên khi chết vong hồn bà bị đọa vào chốn khổ đau.
Đức Phật đã dạy Mục Kiền Liên, muốn cứu vớt mẹ, đến ngày Rằm tháng Bảy làm tiệc cúng Phật, dựa vào sức lành của chư tăng để siêu độ vong linh. Tháng Bảy là ngày mãn hạ 3 tháng an cư, các chư tăng, ni có rất nhiều năng lượng. Thương mẹ, tôn giả Mục Kiền Liên đã làm theo lời Đức Phật, nhờ sự hợp lực của chư tăng mười phương chú nguyện, hồi hướng công đức để tiêu trừ nghiệp ác, vong hồn mẹ ông được giải thoát khỏi chốn khổ đau.
Lễ Vu lan, hay dân gian gọi là lễ “xá tội vong nhân” đã ra đời theo truyền thuyết như thế và được giữ vững, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến ngày nay. Không đơn thuần là ngày lễ quan trọng của đạo Phật, lễ Vu lan đã trở thành ngày lễ của tình người, của truyền thống tinh thần báo hiếu, báo ân, hướng mọi người trở về với cội nguồn dân tộc, phù hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”, với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người dân Việt. Tinh thần đạo hiếu trong lễ Vu lan ngày càng được lan tỏa. Dịp lễ Vu lan, với những ai còn hạnh phúc được cài trên ngực bông hoa hồng nhung là còn được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, còn có cơ hội báo đáp công ơn, chăm sóc đấng sinh thành.
Trong bài pháp thoại tại Đại lễ Vu lan báo hiếu Phật lịch 2568 – dương lịch 2024 được tổ chức ở chùa Liên Phái (Hà Nội) mới đây, đưa mọi người trở về với nguồn cội của lễ Vu lan, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh, “Sinh thành dưỡng dục sánh non cao/Nghĩa nặng tình thâm biển dạt dào/Máu huyết hình hài cha mẹ tạo/Khôn dùng bút mực tả công lao.” Hiếu đạo không chỉ là việc báo hiếu cha mẹ hiện tại mà còn là sự tri ân đến những thế hệ đi trước, là nền tảng đạo đức của con người.
Với tinh thần đó, lễ Vu lan không chỉ là một nghi thức tôn giáo thiêng liêng, mà còn là dịp để mỗi người con bày tỏ lòng biết ơn đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, thể hiện lòng hiếu thảo bằng những hành động thiết thực. Rộng hơn theo giáo lý đạo Phật, Tứ trọng ân mà người con Phật luôn phải ghi nhớ đó là: Ân cha mẹ, ân Tam bảo Thầy Tổ, ân quốc gia dân tộc, ân chúng sinh vạn loại.
Thực hành đức tri ân, báo ân, đề cao đức hiếu sinh, tình yêu với quê hương với đất nước, tinh thần tôn sư trọng đạo, yêu thương đồng bào là những nền tảng nuôi dưỡng ta trở thành con người có giá trị, có phẩm cách, đạo đức và trí tuệ, sống trọn vẹn với đạo hiếu hạnh, đạo làm người.
“Vu lan – Đạo hiếu & Dân tộc”
Chia sẻ trong Đại lễ Vu lan báo hiếu – 2024 do Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức tối 16/8, Đại đức Thích Minh Trí, học viên lớp HV 1 cho biết rất vui và hạnh phúc vì được sống trong một đất nước hòa bình, một môi trường giáo dục rất nhiều tri thức và đạo hạnh. “Dịp Vu lan, chúng tôi được tỏ lòng thành kính đến cha mẹ, sư trưởng, chúng sinh và những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Đặc biệt, trong dịp này Học viện tri ân công đức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, một nhân cách lớn đóng góp vào sự phồn thịnh của đất nước”.
Sinh thời, ngoài công lao to lớn với đất nước, nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều sự quan tâm cho sự phát triển của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
Hòa thượng Thích Thanh Đạt, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội nhấn mạnh “trăm nết thiện chữ hiếu làm đầu”, nên Tứ trọng ân là thứ mà chúng ta luôn phải khắc ghi và khắc khoải báo đền trong suốt đời người chứ không chỉ mỗi mùa Vu lan.
"Đây là một lễ Vu lan đặc biệt khi các tăng ni, Phật tử không chỉ hướng lòng cầu nguyện quốc thái dân an, nguyện cho cha mẹ được mạnh khỏe bình an hay cha mẹ tổ tiên quá vãng được siêu thoát, mà còn thành tâm cầu nguyện, tri ân, tưởng niệm công đức của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Hòa thượng Thích Thanh Đạt nói.
Trong một đời sống gấp gáp hiện nay, Vu lan là một dịp rất có ý nghĩa. Lòng biết ơn là thứ giúp con người ta luôn vững tin và mạnh mẽ trong mọi nghịch cảnh, soi đường chỉ lối cho mọi người biết đi về phía bờ thiện, bờ an vui.
“Vu lan là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến đất nước, đồng bào, đến các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhớ tới ơn đức cao cả của các bậc cha ông, anh hùng liệt sĩ đã sống, chiến đấu và hy sinh vì hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam. Vu lan báo hiếu không chỉ là trách nhiệm của mỗi người con, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Chúng ta cần chung tay góp sức để xây dựng một xã hội hiếu thảo, nơi mà mỗi người con đều biết yêu thương, trân trọng và báo đáp công ơn cha mẹ”, Hòa thượng Thích Gia Quang nhắn nhủ trong chương trình “Vu lan – Đạo hiếu & Dân tộc” năm 2024.
Những hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội trong chuỗi sự kiện của chương trình tại Điện Biên như tưởng niệm, thắp nến tri ân các Anh hùng Liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia A1, xây dựng nhà ăn và giếng nước tặng điểm trường Nậm Ty, Trường tiểu học Hua Thanh, huyện Điện Biên; trao quà từ thiện cho học sinh và người dân trên địa bàn xã Hua Thanh; thăm và tặng quà cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mường Pồn; xây nhà tình nghĩa cho cựu Thanh niên xung phong… là hành động thiết thực khắc họa đậm nét tính nhân văn, thể hiện sâu sắc tinh thần hiếu đạo trong Phật giáo. Qua đó lan tỏa sâu sắc giá trị truyền thống tri ân, báo ân trong đời sống xã hội, tôn vinh và phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân và báo ân.