Trong những năm qua, Việt Nam được bạn bè quốc tế công nhận là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Chỉ số bất bình đẳng giới đứng thứ 48/187 quốc gia và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN sau Singapore và Malaysia. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Ngày 28/2 tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách về bình đẳng giới với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong nước và quốc tế, tổ chức phi chính phủ.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền và bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú UNDP nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang quyết tâm thực hiện bình đẳng giới một cách thực chất thông qua việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tăng cường công tác lồng ghép trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020.
Trình bày những thành tựu nổi bật trong 5 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới tại Việt Nam, đại diện Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Việc thực hiện bình đẳng giới nói chung và vì sự tiến bộ của phụ nữ nói riêng đã có những tiến bộ nhất định, góp phần nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới. Tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội đạt 24,4%, xếp thứ 43/141 quốc gia trên thế giới và đứng thứ 2 trong 8 nước ASEAN có nghị viện, quốc hội.
Hiện nay, 40% bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt. 24/36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chức danh Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND là nữ. Trong năm 2012, hơn 1,5 triệu người được tạo việc làm mới, trong đó nữ chiếm 48%. Nữ làm chủ doanh nghiệp hơn 20%. Trẻ em gái vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến trường đạt 80%. Tỷ lệ biết chữ trong độ tuổi 15-40 của nam và nữ đạt 80%. Nữ sinh đại học chiếm 61,6%, thạc sỹ 30,5%.
Khuyến nghị về chính sách nhằm đảm bảo sự thay đổi thực chất về bình đẳng giới tại Việt Nam, đại diện chuyên gia của UNDP đề xuất: Việt Nam ủng hộ và có biện pháp cấp thiết nhằm khuyến khích, bảo vệ, thực thi quyền con người của phụ nữ, trẻ em gái, bao gồm quyền có sức khỏe ở mức độ cao nhất, quyền kiểm soát cũng như quyết định những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản của bản thân. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là sự vi phạm nhân quyền và phẩm giá, không thể chấp nhận được dù dưới hình thức hay hoàn cảnh nào.
Việt Nam ủng hộ lời kêu gọi hành động nhằm củng cố, mở rộng quy mô và chất lượng các dịch vụ liên quan đến sức khỏe sinh sản trên phạm vi toàn cầu, bao gồm các chương trình về HIV và AIDS; ủng hộ hành động bảo đảm rằng, nam giới và trẻ em trai nhận thức và thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc phòng ngừa, chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới.
Việt Nam cần thiết tăng cường các cơ chế thu thập thông tin, giám sát và đánh giá, bao gồm việc sử dụng dữ liệu theo giới và lứa tuổi về nguyên nhân, hậu quả của các hình thức bạo lực khác nhằm vào phụ nữ và trẻ em. Việc này sẽ giúp Việt Nam xây dựng, triển khai các luật, chính sách và biện pháp phòng ngừa một cách phù hợp.
Nguyễn Hồng Điệp