Việc trẻ nhiễm độc chì ở Bắc Giang: "Người dân phải tự nâng cao ý thức"

Sau khi Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) có bài viết phản ánh về việc trẻ em bị nhiễm độc chì ở Bắc Giang, ngày 13/4, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang, Hàn Thị Hồng Thuý đã có cuộc gặp và trao đổi với phóng viên TTXVN thường trú tại Bắc Giang xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa bà, Sở Y tế có những cách thức gì trong việc tuyên truyền bảo vệ, nâng cao sức khoẻ đối với người dân?


Phó Giám đốc Hàn Thị Hồng Thuý: Chúng tôi có rất nhiều cách thức tuyên truyền, từ việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài) đến phát các tờ rơi; từ hệ thống các bệnh viện tuyến tỉnh cho đến các trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã...

PV: Với nhiều cách thức và hệ thống tuyên truyền như thế thì tại sao nhận thức của người dân vẫn chưa cao?

Phó Giám đốc Hàn Thị Hồng Thuý: Cái đó là do nhận thức của người dân. Dân mình có thói quen về tập quán, sinh hoạt, điều kiện để tiếp cận các dịch vụ y tế chưa cao. Dân mình có thói quen là tiện ra chợ mua 10-15 nghìn tiền thuốc chữa bệnh cho con, điều kiện kinh tế người dân còn nghèo nên muốn chữa bệnh làm sao ít chi phí nhất, đơn giản nhất, không phải đi đâu mất thời gian.

PV: Bà nói người dân điều kiện kinh tế hạn chế nên không đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh, nhưng tôi được biết ở vùng nông thôn, khi con cái ốm thì việc đầu tiên là người dân đưa con đến khám tại trạm y tế xã. Có đúng như vậy không thưa bà?

Phó Giám đốc Hàn Thị Hồng Thuý: Đương nhiên là người ta đến trạm y tế xã. Nếu người dân thấy Trạm y tế xã giải quyết được, không có vấn đề gì lo ngại vì việc chữa bệnh phải theo đơn thuốc, phác đồ điều trị. Còn những bệnh vượt quá khả năng của Trạm y tế xã thì ngay cả trạm y tế hay bản thân gia đình người bệnh sẽ đề xuất chuyển lên tuyến trên, vì trạm y tế xã chỉ là khám chữa bệnh ban đầu.


Số thuốc cam của bà lang Tiến đã được Sở Y tế tỉnh Bắc Giang niêm phong. Ảnh: baobacgiang.com.vn



PV: Bà đánh giá thế nào về công tác quản lý các cơ sở y tế hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn trong thời gian qua?

Phó Giám đốc Hàn Thị Hồng Thuý: Những năm qua công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân tương đối tốt, nhất là công tác hành nghề dược chúng tôi đã tập trung quản lý và có nhiều chuyển biến. Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế thì dần dần phải chuẩn hoá các cơ sở tư nhân phải đảm bảo tiêu chuẩn hành nghề tốt. Tuy nhiên, các cơ sở hành nghề nhỏ và không có giấy phép thì vẫn còn và ngoài tầm kiểm soát của Sở Y tế, mà trách nhiệm chính là của các phòng y tế chuyên môn và các huyện, thành phố phải có trách nhiệm tham mưu, phát hiện.

PV: Bà nói công tác quản lý tốt nhưng vì sao những cơ sở như bà lang Tiến có rất nhiều người dân biết và tìm đến, còn ngành y tế lại không biết?

Phó Giám đốc Hàn Thị Hồng Thuý: Không phải chỉ riêng cơ sở bà Tiến mà còn nhiều cơ sở khác hoạt động không chính thống, không thường xuyên, mà hoạt động tại các chợ, theo hình thức dân gian truyền miệng, không đăng ký thì cơ quan nhà nước có đi thanh tra, kiểm tra cũng không phát hiện được. Cũng có nơi khi đi thanh tra, kiểm tra phát hiện được thì nhắc nhở, xử lý và người ta không hoạt động nữa, nhưng có những nơi không phát hiện được. Hôm nay, chúng tôi sẽ có văn bản gửi các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và có báo cáo gửi Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bắc Giang về vấn đề này.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nam Anh (Thực hiện)
Việc trẻ nhiễm độc chì ở Bắc Giang: Cơ quan chức năng có buông lỏng quản lý?
Việc trẻ nhiễm độc chì ở Bắc Giang: Cơ quan chức năng có buông lỏng quản lý?

Trước tình trạng trẻ em ở Bắc Giang bị nhiễm độc chì được điều trị tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai do dùng thuốc cam, Vụ Y dược cổ truyền, Bộ Y tế đã gửi công văn đến tất cả các tỉnh, thành yêu cầu tăng cường kiểm tra các cơ sở hành nghề khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN