Một cụm loa phường tại phố Hàng Khoai (Hà Nội). |
Năm nay đã bước sang tuổi 90, bà Đinh Thị Thanh ở ngõ 289 Hoàng Hoa Thám đã có hơn 60 năm gắn với chiếc loa phường. “Thời kỳ tiếp quản Thủ đô sau năm 1954 đến những năm chống Mỹ và xây dựng Thủ đô sau này, chiếc loa rất hiệu quả khi thông tin từ cách tránh bom của máy bay Mỹ đến chuyện tem phiếu... Thế hệ chúng tôi thuộc lòng nhiều các ca khúc cách mạng cũng là nhờ chiếc loa phường. Thời điểm đó, phương tiện thông tin làm gì có mấy, loa phát thanh gần như là nguồn thông tin duy nhất nên rất bổ ích. Nhưng hiện nay thông tin phát trên tivi, đài cát xét, máy tính, cái gì cũng sẵn thì loa phường không còn thật sự cần thiết”, bà Thanh cho biết.
“Tôi không biết có cuộc khảo sát lấy ý kiến người dân về loa phường. Nhưng với những người có tuổi như tôi thì việc khảo sát nên phát phiếu giấy. Nhìn chung, chúng tôi thấy hệ thống loa phường không cần vì ồn, không thiết thực”, bà Đinh Thị Thanh chia sẻ thêm.
Ngay những bạn trẻ như Viết Long (phường Láng, Đống Đa), thì việc lấy ý kiến bình chọn dựa trên trang điện tử Cổng giao tiếp Hà Nội cũng là chưa phù hợp, bởi đối tượng vào đọc phần lớn là công chức, viên chức hoặc những cán bộ cấp phường, tổ dân phố. Đương nhiên, họ sẽ lựa chọn cho việc giữ lại loa phường.
“Để lấy ý kiến rộng rãi người dân thì việc khảo sát có thể thuê tư vấn độc lập, làm điểm từng cụm dân phố với nhiều đối tượng thì thông số mới chính xác”, Viết Long cho biết.
Kỹ sư công nghệ Hoàng Thắng cho biết: "Hai hôm nay tôi cũng đọc thông tin về sự cố bất thường trong bình chọn về loa phường. Đứng ở góc độ công nghệ thì những sự cố bình chọn sẽ thường xảy ra khi bị hack. Để khách quan thì nên để trang điện tử có nhiều đối tượng bạn đọc bình chọn. Trang thông tin điện tử đó phải độc lập. Việc bình chọn nên có các biểu mẫu rõ ràng và từ khóa xác nhận để kiểm chứng".