Nơi núi rừng heo hút không có ánh sáng phố phường, không có cảnh tấp nập chợ búa, siêu thị, không có những công viên, rạp hát... Cứ đến ngày nghỉ, các chiến sỹ lại thay nhau tranh thủ về quê thăm con đang ở với ông bà nội, ngoại rồi lại vội vã quay trở về đơn vị làm nhiệm vụ. Đó là cuộc sống, công việc của hơn 600 cán bộ, chiến sĩ quản giáo Trại giam số 6, đóng ở huyện Thanh Chương (Nghệ An). Gác niềm riêng vì hạnh phúc chungTrung úy Trần Thị Mai, cán bộ quản giáo của Phân trại 3, Trại giam số 6 được lãnh đạo và anh, em đồng nghiệp đánh giá cao bởi bản lĩnh, kinh nghiệm và nghiệp vụ quản giáo. 7 năm trong nghề, 4 năm công tác tại Phân trại 3, trung úy Mai đã cảm hóa, giúp thay đổi hàng chục cuộc đời phạm nhân lầm lỡ.
Thiếu tá Nguyễn Văn Minh, cán bộ quản giáo Phân trại 2, Trại giam số 6. |
Nói chuyện với nhà báo, trung úy Mai cười bẽn lẽn: “Anh gặp người có kinh nghiệm lâu năm thì nói hay, chứ em làm được nhưng chẳng biết nói thế nào”. Phải thêm một lúc chuyện trò cho tự nhiên, trung úy Mai mới kể những kỷ niệm trong nghề quản giáo. Trong rất nhiều câu chuyện Mai kể, có trường hợp phạm nhân Lê Thị Nga (biệt hiệu Nga “hóa”), chịu án tù 2 năm do buôn bán ma túy. Ở ngoài xã hội, Nga “hóa” đã dùng thuốc ké (thuốc chó điên) phá thần kinh đến mất kiểm soát. Những hậu quả Nga gây ra với gia đình, xã hội khiến ngay người nhà của Nga cũng tuyên bố: Nếu có gì có thể làm Nga biến mất khỏi cuộc đời thì gia đình cảm ơn, xã hội đỡ khổ.
Khi bị bắt và về cải tạo ở Trại 6 trung tâm, do quậy phá nên Nga thường xuyên bị kỷ luật. Khi chuyển ra Phân trại 3, về đội Mai quản lý, ban đầu Nga “hóa” cũng gây ồn ào, xích mích. Nhưng các vụ việc đã được Mai tìm hiểu và gần gũi phân tích. Sau thời gian cảm hóa khoảng 3 tháng cho đến khi ra trại, Nga đã không hề vi phạm kỷ luật. Khi ra trại vào tháng 7 vừa qua, Nga đã bật khóc cảm ơn quản giáo Mai và ban giám thị trại.
Phạm nhân Phạm Ngọc Cương (Nam Định) - Phân trại số 2 với sản phẩm điêu khắc sư tử đá. Cương cũng như hầu hết các phạm nhân khác được tạo điều kiện để thể hiện khả năng lao động của mình trong thời gian giáo dục, cải tạo. |
“Điều gì khiến phạm nhân Nga thay đổi?”, tôi hỏi. Mai cho biết, mỗi phạm nhân vào trại đều có hoàn cảnh, nguyên nhân riêng. Bằng nghiệp vụ, cán bộ quản giáo phải gần gũi, tìm hiểu, cảm thông và chia sẻ. “Ví như ngày lễ, Tết mình có quà tặng, ở lại trại động viên họ. Những lúc họ không có tiền gọi điện thoại về gia đình, mình có thể cho họ. Thậm chí, phạm nhân có tinh thần cải tạo tốt, nhưng không có tiền đóng án phí để được xếp loại, cán bộ sẵn sàng giúp họ. Là con người ai cũng có nhận thức và cảm xúc cả anh ạ. Đối với các đối tượng tính khí thất thường, mình phải dùng tình cảm, phân tích đúng, sai, chỉ ra tương lai để họ nhận ra. Mình đối xử tốt với họ, họ sẽ cảm nhận được và thay đổi”, Mai chia sẻ.
“Tận tụy với nghề như vậy, thì thời gian Mai dành cho gia đình như thế nào?”, tôi hỏi. “Làm nghề này thì phụ nữ chúng em nói chung ở đây phải gác chuyện riêng lại. Con cái thì gửi ông, bà, hoặc thuê người trông. Con em mới 3 tuổi, may là có bà ngoại trông. Cứ bố, mẹ trưa đi làm về thì con đã ngủ. Tối cũng vậy, ca chiều ở trại tan muộn, về nhà đã tối mịt, chỉ chơi với con được một lát nó đã phải đi ngủ. Sáng hôm sau, 5 giờ sáng bố mẹ đã đi làm (vì phải theo giờ sinh hoạt của phạm nhân). Hầu hết chúng em ở đây, con cái coi bà là mẹ, còn gọi nhầm bà là mẹ nữa đấy anh...”, nói xong Mai im lặng, giấu cảm xúc nghẹn ngào.
Đam mê “nghề” cảm hóa con ngườiỞ trại giam số 6, nói đến “lão làng” ai cũng phải nhắc đến thiếu tá Nguyễn Văn Minh, cán bộ quản giáo Phân trại 2. Thiếu tá Minh là thế hệ cán bộ quản giáo đầu tiên, gắn bó với Trại 6 kể từ giai đoạn đầu thành lập. Anh đã 13 lần truy bắt thành công phạm nhân vượt ngục và cảm hóa hàng trăm lượt phạm nhân.
Trò chuyện về nghề và nghiệp, anh cho biết: “Trước đây khi còn trẻ tôi cũng mơ ước làm cảnh sát giao thông, kinh tế, môi trường... Nhưng sau thời gian làm công tác quản giáo thì đam mê.
Với 600 cán bộ, chiến sĩ quản giáo, Trại giam số 6 đang quản lý gần 4.000 phạm nhân. Mỗi năm, có khoảng 600 - 700 phạm nhân đủ điều kiện hưởng chính sách đặc xá và có từ 150 - 170 phạm nhân mãn hạn tù. Đợt xét đặc xá dịp 2/9/2015, Trại 6 có khoảng 370 - 400 phạm nhân đủ tiêu chuẩn hưởng đặc xá.
Trung tá Nguyễn Thành Trung, Đội trưởng đội hồ sơ - Trại giam số 6 |
Anh Minh kể, ngày trước (giai đoạn năm 1986 -1990) ở Trại 6 này vất vả lắm, trại giam thì bằng nhà tranh, sàn gỗ, chỉ có tường rào là kiên cố. Trại cách thành phố hơn 80 km, trong khi đường đi lối lại chưa có, đi công tác không cẩn thận còn bị lợn rừng đuổi. Nhiều người đã về vì không chịu nổi gian khổ.
“Nói thật là tôi cũng đã có lúc đấu tranh rất ghê gớm là về hay ở lại. Nhưng sau thì mình nghĩ lại, cuộc đời mình gắn liền với sự nghiệp mình. Cạnh đó, về gia tộc, các thế hệ gia đình tôi đều có công với nước, nhiều người là liệt sĩ. Anh trai tôi cũng là liệt sĩ. Xuất phát từ tư tưởng người cộng sản, làm đâu cũng là cống hiến nên tôi đã yên tâm công tác. Sau đó mình tiếp tục làm 3 - 4 năm thì bắt đầu cảm thấy yêu nghề, cảm hóa được con người (phạm nhân) thì cảm thấy thích”, anh Minh tâm sự.
Chia sẻ về hoạt động và những thành tích của Trại giam số 6, đại tá Võ Thành Vinh, Phó Giám thị không giấu vẻ tự hào: “Cán bộ quản giáo là vốn quý của Trại 6. Họ là những cán bộ, chiến sĩ hàng ngày trực tiếp quản lý, giáo dục phạm nhân, chuyển đổi nhận thức của phạm nhân, giúp họ thấy được các lỗi lầm đã gây ra cho xã hội, nhận ra những giá trị trong cuộc sống, để họ ăn năn hối cải, tích cực lao động, học nghề làm ra của cải vật chất. Rất nhiều phạm nhân khi ra trại đã tỏ rõ sự chân thành, cảm ơn cán bộ quản giáo đã cảm hóa, giáo dục họ nhận ra lỗi lầm, trở về với cuộc sống. Không ít phạm nhân khi mãn hạn tù ở Trại 6, trở về xã hội đã mở doanh nghiệp và làm ăn khá giả, họ đã quay lại Trại 6 truyền cảm hứng sống tích cực cho các phạm nhân, thông qua các kỳ hội nghị gia đình phạm nhân, kỳ thăm lại đơn vị.
Đại tá Vinh cho biết thêm, rất nhiều phạm nhân, khi có lệnh di chuyển khỏi Trại 6 đến trại khác, đã làm đơn xin được ở lại. Họ cho biết, xin ở lại vì muốn được ở trong môi trường học tập, lao động, cải tạo tốt. Nhờ đó họ sẽ sớm được ra trại trở về với gia đình. Đây là niềm khích lệ rất lớn cho cán bộ, chiến sĩ quản giáo trong công tác.