Từ nay đến cuối năm, biển Đông có khả năng xuất hiện 5-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới

Dự báo từ nay đến hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 5 - 7 cơn bão/ áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Chú thích ảnh
Dự báo nhiều tỉnh thành có mưa trong vài ngày tới. Ảnh: TTXVN.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều 4/10, trên khu vực miền Nam Phillipines có một vùng áp thấp, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 8,0 - 9,0 độ vĩ Bắc, 125,5 - 126,5 độ kinh Đông.

Dự báo khoảng chiều và tối 5/10, vùng áp thấp này đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), những ngày sau đó ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão trên khu vực giữa và Nam Biển Đông.

Cùng với đó, khoảng ngày 10 - 11/10, một đợt không khí lạnh mạnh có khả năng ảnh hưởng đến nước ta và tương tác với cơn bão/ATNĐ này nên diễn biến của bão/ATNĐ trên Biển Đông trong những ngày tới sẽ rất phức tạp.

Nhận định tình hình thiên tai 3 tháng cuối năm 2021, đại diện Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo hiện tượng La Nina (pha lạnh của ENSO) có thể được xác lập trong tháng 10/2021 và duy trì cường độ yếu cho đến hết năm 2021 và đầu 2022 với xác suất khoảng 60 - 70%. La Nina thường gây mưa nhiều ở Việt Nam.

Dự báo trong tháng 10 và tháng 11/2021 sẽ có nhiều ATNĐ, bão hoạt động trên Biển Đông, là cao điểm của mùa mưa bão năm 2021. Đề phòng mưa lớn xảy ra ở khu vực Trung Bộ (đặc biệt là các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ) trong tháng 10, tháng 11 và gió mạnh trên biển do hoạt động của bão, ATNĐ và không khí lạnh. 

Dự báo từ nay cho tới hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 5 - 7 cơn bão/ATNĐ, trong đó có khoảng 2 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, tháng 10 và 11/2021 cũng là cao điểm mùa mưa bão tại khu vực Trung Bộ với lượng mưa được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm từ 15 - 30%. 

Về tình hình lũ ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, trong thời kỳ lũ chính vụ, đỉnh lũ năm 2021 tại hạ lưu các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An ở mức báo động 1 (BĐ1)-BĐ2; các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông Trung Bộ, Tây Nguyên khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất,  các trận lũ lớn tập trung trong tháng 10,11/2021.

Đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10/2021 và ở mức thấp (dưới BĐ1); đỉnh lũ năm 2021 tại các trạm hạ nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ2-BĐ3, một số trạm trên BĐ3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long.

Tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô 2021 - 2022 từ thượng nguồn sông Mê Kông về hạ lưu và đồng bằng sông Cửu Long ở mức thiếu hụt từ 15 - 25% so với trung bình nhiều năm; tình hình xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và cao hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, nhận định mùa mưa kết thúc muộn, lượng mưa trong các tháng mùa khô tại vùng đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm và có thể xuất hiện các đợt mưa trái mùa, nên tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Longcó khả năng ít nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2019 - 2020.

Thu Trang/Báo Tin tức
Các địa phương chủ động ứng phó với áp thấp thấp nhiệt đới, bão và mưa lớn
Các địa phương chủ động ứng phó với áp thấp thấp nhiệt đới, bão và mưa lớn

Ngày 4/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã ban hành văn bản số 442/VPTT gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa về việc ứng phó với khả năng xuất hiện áp thấp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông và mưa lớn trên diện rộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN