Tự hào là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ huyện Bắc Sơn

Những ngày này, trên quê hương cách mạng Bắc Sơn, không khí thi đua lao động, sản xuất của đồng bào các dân tộc sôi nổi hướng tới kỷ niệm 81 năm Khởi nghĩa Bắc Sơn.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Bắc Sơn. Ảnh: Trần Mai Hưởng

Đến thăm địa danh Mỏ Tát, xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ huyện Bắc Sơn (25/9/1936 – 25/9/2021), chúng tôi được trò chuyện cùng ông Dương Hữu Pháp, người cao tuổi trong thôn, nguyên là Bí thư Chi bộ thôn Mỏ Tát. Ông Pháp dù đã gần 80 tuổi nhưng những dấu mốc lịch sử của quê hương vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông.

Theo lời kể của ông Dương Hữu Pháp, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thực hiện chủ trương của Đảng về việc vận động và xây dựng phong trào quần chúng cách mạng ở các tỉnh miền núi biên giới, để tạo ra một địa bàn hoạt động thuận lợi cho Đảng, Chi bộ Đảng Cộng sản chỉ đạo vùng biên giới Cao - Bắc - Lạng được thành lập gồm các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn, do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư.

Quán triệt chủ trương chung của Đảng, từ giữa năm 1930, Chi bộ đã hướng nhiệm vụ trọng tâm cụ thể là bắt mối, xây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng ở hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được Chi bộ phân công xây dựng phong trào quần chúng cách mạng ở Lạng Sơn.

Khi ấy, phong trào cách mạng ở Châu Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn ngày nay) ngày càng lớn mạnh, thể hiện ở sự lần lượt ra đời của các tổ chức Nông hội đỏ ở các xã Vũ Lăng, Hữu Vĩnh, Bắc Sơn. Các tổ Nông hội đỏ này tích cực hoạt động, lôi kéo thu hút được nhiều quần chúng cách mạng. Sau một thời gian ngắn, số lượng tổ chức Nông hội đỏ phát triển nhanh; xuất hiện ở hầu hết các xã ở Bắc Sơn.

Truyền đơn kỷ niệm Xô Viết - Nghệ Tĩnh có nội dung cách mạng và đấu tranh sắc bén được các tổ Nông hội đỏ phát tán rải rộng khắp ở Bắc Sơn. Các khẩu hiệu chiến lược của Đảng như “Dân tộc độc lập”, “Người cày có ruộng” và các khẩu hiệu tuyên truyền “Công - nông - binh liên hiệp lại bênh vực Nghệ Tĩnh đỏ”, “Ủng hộ Nga - Xô”... lần đầu tiên được tuyên truyền tới nhân dân các dân tộc ở Bắc Sơn.

Trước yêu cầu có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất với phong trào quần chúng cách mạng đang phát triển mạnh mẽ ở Bắc Sơn, ngày 25/9/1936, tại thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương), đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tổ chức kết nạp đảng viên, thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Bắc Sơn.

Chi bộ gồm 4 đảng viên là các đồng chí: Đường Văn Thông (tức Đường Kỳ Tân) làm Bí thư, Hoàng Doãn Tạo (tức Hà Khai Lạc), Đường Văn Tư (tức Đường Quảng Long), Nguyễn Văn Phòng (tức Nguyễn Mai Huyền). Ngay sau khi thành lập, Chi bộ đã phân công các đồng chí Hà Khai Lạc và Đường Văn Tư về các xã ở phía Bắc và phía Nam huyện để phát triển cơ sở Đảng - những nơi có địa hình rừng núi hiểm trở lại liền sát với Châu Võ Nhai (Thái Nguyên) và Châu Bình Gia (Lạng Sơn), thuận lợi trong điều kiện hoạt động bí mật.

Tự hào là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ huyện Bắc Sơn, qua 85 năm phát triển, vùng đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng này đang đổi thay từng ngày. Từ khi Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập năm 1936, với 4 đảng viên tại thôn Mỏ Tát, giờ đây, Đảng bộ xã Tân Hương đã phát triển được 186 đảng viên sinh hoạt tại 8 chi bộ. 

Dù trong thời chiến hay thời bình, Đảng bộ xã luôn phát huy vai trò hạt nhân chính trị, đoàn kết lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, lãnh đạo phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả. 

Bí thư Đảng ủy xã Tân Hương Hoàng Vĩnh Lập phấn khởi: tuy có điều kiện đặc biệt khó khăn nhưng giờ đây, Tân Hương đã chuyển dịch nhanh về cơ cấu kinh tế. Đảng ủy xã thường xuyên tổ chức quán triệt các nghị quyết của Đảng đến từng chi bộ, đảng viên, tạo tiền đề cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. 

Qua đó, Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông, lâm nghiệp, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh tăng năng suất; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa; quan tâm đầu tư các công trình thủy lợi, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp...

Xã đã quy hoạch được các khu vực phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, như: vùng trồng cây ăn quả có múi, vùng trồng lạc, vùng thuốc lá, vùng trồng ngô và phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán chăn thả cho hiệu quả kinh tế cao.

Nếu như năm 2008, toàn xã chỉ có 116 ha đất trồng lạc, đến nay, diện tích cây lạc xấp xỉ 180 ha; diện tích cây có múi hơn 100 ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đàn trâu, bò, dê tăng đáng kể với hơn 1.200 con. Thu nhập bình quân đầu người trong xã năm 2020 đạt 35 triệu đồng/người.

Trong xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã đã lồng ghép với các chương trình, dự án, ưu tiên đầu tư kiên cố hóa các kênh mương và cứng hóa đường giao thông nông thôn. Đến nay, xã có 70% đường giao thông nông thôn, đường liên thôn được cứng hóa; 7/7 thôn của xã đã có nhà văn hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia…

Công tác giáo dục - đào tạo luôn được quan tâm, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp cả 3 cấp học hằng năm đạt 100%; học sinh hoàn thành chương trình bậc Tiểu học, Trung học Cơ sở đạt 100%. Công tác giải quyết việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân luôn được chú trọng. Hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, 100% thôn, bản có nhân viên y tế; xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. 

Công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng, đẩy mạnh. Việc giáo dục chính trị, tư tưởng và rèn luyện đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên được thực hiện thường xuyên gắn với triển khai Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Về Tân Hương hôm nay, đi trên con đường vào trung tâm xã, nhìn những ngôi trường, trụ sở, trạm y tế xã đã được xây dựng khang trang... mọi người sẽ cảm nhận được sự đổi thay ở nơi đây. Với bề dày truyền thống cách mạng, kinh tế - xã hội ngày một khởi sắc, sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, xã Tân Hương đang vững bước trên con đường xây dựng quê hương đổi mới và phát triển.

Thái Thuần (TTXVN)
Kỷ niệm 80 năm Ngày khởi nghĩa Bắc Sơn
Kỷ niệm 80 năm Ngày khởi nghĩa Bắc Sơn

Ngày 24/9, tại Hội trường Trung tâm hành chính huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940 - 27/9/2020).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN