Thanh Hóa tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Đó là khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng trong Hội nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa, chiều 30/8. Theo đó, Thanh Hóa sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phương châm thần tốc, mạnh mẽ, quyết liệt, không để dịch lan rộng. Khi xuất hiện F0 trong cộng đồng, các địa phương cần làm nhanh nhất công tác truy vết thần tốc, khẩn trương nhận diện F1, F2, F3 sau đó tổ chức cách ly tập trung hay tại gia đình…
Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh việc mua sắm thêm sinh phẩm, trang thiết bị phòng, chống dịch cũng như huy động nguồn nhân lực phục vụ công tác điều trị, phòng chống dịch là đội ngũ y bác sỹ về hưu, sinh viên các trường cao đẳng, đại học Y trên địa bàn. Các nguồn chi chưa cần thiết sẽ được dành để phòng, chống COVID-19 và phòng, chống thiên tai.
Tại Hội nghị, tỉnh Thanh Hóa đã công bố quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Thanh Hóa cũng như các quyết định thành lập tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo; dự kiến phân công các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh theo dõi, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố.
Hội nghị đã bàn về phương án điều trị COVID-19; Kế hoạch đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, đảm bảo lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch; Kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, quản lý công dân, truy vết và cách ly phục vụ phòng, chống dịch; Kế hoạch thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch và Kế hoạch huy động xã hội hóa các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Theo đó, nhằm nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng phù hợp hiệu quả trong tình huống dịch lây lan trong cộng đồng với các tình huống 1.000, 3.000, 5.000, 10.000 người mắc COVID-19, từng đơn vị y tế trong tỉnh Thanh Hóa sẽ xây dựng kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch theo mô hình “Tháp ba tầng”. Tầng 1 sẽ thu dung, điều trị bệnh nhân không triệu chứng và nhẹ; Tầng 2 thu dung điều trị bệnh nhân mức độ vừa và nặng và tầng 3 thu dung điều trị bệnh nhân ở mức độ nặng và nguy kịch. Trong đó hệ thống bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 thuộc tầng 2 và tầng 3 sẽ gồm 3 bệnh viện là Bệnh viện Phổi (cơ sở số 1), Bệnh viện Ung bướu (cơ sở số 2) và đề nghị Bộ Y tế chuyển Bệnh viện phục hồi chức năng Trung ương thành Bệnh viện điều trị COVID số 3. Khi 3 bệnh viện này có dấu hiệu quá tải, Sở Y tế sẽ tham mưu mở rộng Bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 hoặc xây dựng Bệnh viện dã chiến. Còn hệ thống các bệnh viện tuyến huyện sẽ tiếp nhận và điều trị bệnh nhân tại tầng 1.
Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, các cơ sở y tế công lập hiện có 457 máy thở gồm cả máy thở chức năng cao, máy thở xâm nhập; 2 hệ thống trao đổi ly qua màng ngoài cơ thể (ECMO) tại Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh… Có 11 bệnh viện sử dụng Oxy lỏng, các bệnh viện còn lại sử dụng Oxy bình. Các trang thiết bị tại các bệnh viện đều đã được trang bị theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị cho người bệnh, trong trường hợp cần thiết có thể đáp ứng được chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng ở mức độ nhẹ và trung bình. Tuy nhiên theo quy định tại Công văn của Bộ Y tế về việc củng cố hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh để đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 thì hầu như các cơ sở khám chữa bệnh ở Thanh Hóa không thể đáp ứng được yêu cầu chăm sóc cho người bệnh nặng và nguy kịch do thiếu hệ thống oxy trung tâm, oxy nén, thở máy xâm nhập… hoặc một số trang thiết bị cần thiết để điều trị cho người bệnh như hệ thống lọc máu, máy khí máu, đông máu…
Liên quan đến hệ thống xét nghiệm RT-PCR, hiện Thanh Hóa có 5 đơn vị với 7 hệ thống xét nghiệm RT-PCR với công suất tối đa đạt 3.000 mẫu đơn/ngày và 15.000 mẫu gộp 5/ngày, 30.000 mẫu gộp 10/ngày. Hiện Thanh Hóa đang bổ sung thêm 10 hệ thống xét nghiệm PT-PCR do Tập đoàn Sun Group tài trợ, dự kiến sau khi lắp đặt xong sẽ nâng số lượng mẫu xét nghiệm của tỉnh Thanh Hóa lên 8.000 mẫu đơn/ngày, 40.000 mẫu gộp 5/ngày hoặc 80.000 mẫu gộp 10/ngày.
Tại Hội nghị cũng triển khai kế hoạch huy động xã hội hóa các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 để mua máy thở và trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc phục vụ phòng ngừa, điều trị dịch COVID-19 để hỗ trợ cho các địa phương, các khu cách ly, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng; hỗ trợ cho những người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đang gặp khó khăn trong đời sống và các cán bộ được trưng tập thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, Thanh Hóa sẽ hỗ trợ các đối tượng khác như gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế trong khu dân cư gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Liên quan đến kế hoạch năm học mới, bậc mầm non toàn tỉnh Thanh Hóa sẽ nghỉ học cho đến khi có thông báo mới. Thanh Hóa sẽ không tổ chức tựu trường vào ngày 1/9 và khai giảng vào 5/9 như kế hoạch trước đó mà sẽ khai giảng vào tiết học đầu tiên của ngày 6/9. Riêng học sinh các cấp trên địa bàn thành phố Thanh Hóa và huyện Nông Cống có nhiều khả năng sẽ khai giảng và học online cho đến khi tình hình dịch được kiểm soát.
Trong chiều 30/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn vừa ban hành văn bản về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, kể từ 18 giờ ngày 30/8, tỉnh Thanh Hóa sẽ tạm dừng các hoạt động cắt tóc, gội đầu, thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp; các chợ cóc, chợ tạm cho đến khi có thông báo mới. Thanh Hóa cũng sẽ tăng cường quản lý lao động tự do, người bán hàng rong; quản lý và xét nghiệm COVID-19 cho các shipper (người giao hàng công nghệ); lái xe taxi, xe khách, xe mô tô 2 bánh chở khách.
Thanh Hóa sẽ triển khai xét nghiệm COVID-19 để tầm soát đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sỹ lực lượng vũ trang, giáo viên, học sinh, tiểu thương tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Khuyến khích người dân tự nguyện xét nghiệm COVID-19 theo hình thức tự trả phí, nhất là những người có bệnh nền, người già trên 65 tuổi, người có các triệu chứng như ho, sốt, đau rát họng, mỏi mệt, đau nhức người, mất vị giác, khứu giác... Tiếp tục siết chặt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong các bệnh viện, các cơ sở y tế, các phòng khám (bao gồm cả công lập và ngoài công lập) cũng như yêu cầu xét nghiệm tầm soát thường xuyên cho đội ngũ y, bác sỹ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa, trong ngày 30/8, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 17 ca mắc mới, trong đó có 8 ca trong cộng đồng, 9 ca trong khu cách ly. Trong đó đáng lưu ý là chùm bệnh tại Bệnh viện đa khoa Hợp Lực (Thành phố Thanh Hóa) với 7 ca mắc (trong 2 ngày 29-30/8). Hiện các lực lượng chức năng đang khẩn trương truy vết nguồn lây, việc lấy mẫu sàng lọc được thực hiện trong phạm vi toàn bệnh viện, truy vết các mốc dịch tễ liên quan đến người dân đến khám, điều trị tại bệnh viện từ ngày 10/8. Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đã tạm dừng việc tiếp nhận khám và điều trị bệnh nhân mới, thực hiện chuyển các bệnh nhân đã đến ngày xuất viện về khu cách ly theo quy định, đồng thời, quyết định phong tỏa tạm thời Bệnh viện đa khoa Hợp Lực trong thời gian 28 ngày (tính từ ngày 29/8).